Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP TMCP Đông Nam Á (SeABank – Mã CK: SSB) Lê Thu Thủy đã cho biết như vậy khi trả lời chất vấn của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường nhiên năm 2025 vừa diễn ra.

Bà Lê Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT SeABank
Cụ thể, bà Lê Thu Thủy nhấn mạnh kế hoạch thâu tóm CTCP Chứng khoán Asean (Asean Securities) là một bước đi chiến lược, gắn liền với mục tiêu tăng trưởng số lượng khách hàng, cải thiện tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) cũng như mở rộng hệ sinh thái dịch vụ tài chính toàn diện của ngân hàng.
"Mua công ty chứng khoán để trở thành công ty con thì ngân hàng được lợi, công ty chứng khoán được lợi. Đây là một kênh để ngân hàng vừa tăng trưởng khách hàng, vừa tăng trưởng CASA", bà Thủy nói, đồng thời thừa nhận tỷ lệ CASA của SeABank hiện nay còn thấp.
Bà Thủy tiết lộ, thương vụ mua lại Asean Securities dự kiến được thực hiện vào quý 3 hoặc quý 4/2025, tùy vào tiến độ kiểm toán và phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Sau giai đoạn củng cố về nhân sự, nền tảng khách hàng và hệ thống công nghệ thông tin cho công ty chứng khoán, SeABank hướng tới khả năng niêm yết công ty này và kêu gọi thêm đối tác chiến lược nước ngoài.
Về vấn đề không chia cổ tức, lãnh đạo SeABank cho biết ngân hàng quyết định giữ lại lợi nhuận để ưu tiên cho tăng trưởng. Đây cũng là bước chuẩn bị cho việc đón cổ đông ngoại trong tương lai.
"Hiện nay, SeABank đang trong quá trình tìm hiểu các cổ đông nước ngoài, ví dụ như các cổ đông đến từ Nhật Bản. Ngân hàng quyết định để lại cổ tức nhằm hỗ trợ thêm cho sự phát triển trong những năm tới", Phó Chủ tịch HĐQT SeABank nói.
Chưa rõ các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản mà ban lãnh đạo SeABank đã "tìm hiểu" là ai nhưng theo báo cáo tài chính quý 1/2025, nhà băng này đã chuyển nhượng xong 100% vốn Công ty TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho Aeon Financial Service.
Sẽ là không bất ngờ nếu deal bán vốn PTF trở thành "chất xúc tác" để nhà băng gắn liền với tên tuổi bà chủ BRG Nguyễn Thị Nga nâng tầm mối quan hệ hợp tác với đối tác Nhật Bản.
Trở lại với AGM 2025 của SeABank, theo bà Lê Thu Thủy, năm 2025 là năm thứ hai trong kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2024 – 2028) của ngân hàng. Trong đó, bán lẻ tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng.
"Trong vòng 5 năm, SeABank đặt mục tiêu nâng tỷ trọng dư nợ bán lẻ lên 50% tổng danh mục tín dụng. Riêng năm 2025 được xem là "năm bản lề cho bán lẻ", đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản khởi sắc trở lại", bà Thủy nói và cho biết một trong những sản phẩm bán lẻ chính của ngân hàng hiện nay là cho vay mua nhà.
Cũng trong kế hoạch 5 năm, SeABank đặt mục tiêu tham vọng có 10 triệu khách hàng vào năm 2028. Bà Thủy cho biết ngân hàng đang triển khai đa kênh để thực hiện mục tiêu này, bao gồm việc tăng trưởng khách hàng cá nhân thông qua các khách hàng doanh nghiệp lớn, đẩy mạnh kênh số (digital), mở rộng hoạt động truyền thống tại các chi nhánh, điểm giao dịch, và đặc biệt là hợp tác với các đối tác lớn trên thị trường.
Ngoài ra, bà Thủy tiết lộ từ nay đến cuối năm 2025, SeABank dự kiến sẽ ra mắt một ứng dụng ngân hàng thế hệ mới – nền tảng giao dịch toàn diện cho phép khách hàng thực hiện mọi tính năng và tương tác đầy đủ với ngân hàng./.