“Trong bối cảnh rủi ro suy thoái thế giới rõ ràng, Việt Nam cần bơm tiền để "tháo" đầu tư ra, tăng dòng chảy của tiền”, PGS. TS Trần Đình Thiên - đã cho biết như vậy tại Toạ đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước”, diễn ra sáng nay (25/4).
Theo vị chuyên gia này, toạ đàm diễn ra trong bối cảnh sức cầu trong nước yếu, triển vọng đầu tư chưa rõ ràng còn xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp khó khăn. “Ba động lực đó đóng vai trò cốt lõi đối với tăng trưởng kinh tế, liên thông với nhau, từ đó các giải pháp cần liên thông với nhau, không nên rời rạc, riêng biệt”, ông Thiên nhấn mạnh.

PGS-TS. Trần Đình Thiên - phát biểu tại buổi Tọa đàm "Giải pháp cùng cố và phát triển thị trường trong nước" (Ảnh: Nhà đầu tư)
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump là cú huých buộc Việt Nam nhìn lại mô hình phát triển, với cốt lõi là thị trường nội địa.
Ông dẫn chứng: "Dữ liệu cho thấy trong cấu trúc GDP, khu vực tư nhân chiếm sản lượng 51% còn khu vực FDI chiếm 20 - 22%. Tuy nhiên, xuất khẩu của khu vực trong nước chỉ chiếm 25-27%, trong đó khu vực FDI chiếm hơn 70%. Kim ngạch xuất khẩu tương đương GDP của Việt Nam".
"Tương lai của doanh nghiệp trong nước là thị trường nội địa", ông Thiên nói, đồng thời khuyến nghị cần phải khảo sát khu vực tư nhân trong nước - vốn chiếm 84% thị trường lao động. Bởi, theo vị chuyên gia này, nếu khu vực tư nhân không ổn, tăng trưởng sẽ không được đảm bảo. Những vấn đề căn cơ không được bàn đến nơi đến chốn.
Tuy nhiên, cấu trúc thị trường nội địa còn nhiều điểm nghẽn, điển hình như, tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP nhưng lưu thông hàng hóa chậm, vòng quay tiền thấp.
Ông Thiên lấy ví dụ về việc Temu - sàn thương mại điện tử của Trung Quốc - đăng ký hoạt động tại Việt Nam đã gây ra xáo trộn thị trường. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu công cụ đề bảo vệ thị phần nội địa trước sức ép từ bên ngoài, đòi hỏi phải đánh giá lại chính sách tín dụng hiện nay.
"Liệu chính sách tín dụng đủ sức giúp doanh nghiệp trong nước cạnh tranh và phát triển?", ông Thiên đặt vấn đề.
Về dài hạn, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần thảo luận nghiêm túc về những vấn đề, bao gồm: doanh nghiệp, công nghiệp và cấu trúc thương mại. Đây là các vấn đề lớn, đòi hỏi phải tư duy lại toàn bộ cấu trúc phát triển kinh tế.
"Bởi vậy, Việt Nam cần bơm tiền để 'tháo' đầu tư ra, tăng dòng chảy của tiền. Đó là những cách cơ bản, khơi thông được thị trường vốn", PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh./.