Phát biểu tại hội nghị AI hàng đầu của Nga, Tổng thống Nga Putin cho biết Mạng lưới Liên minh AI mới sẽ bao gồm các hiệp hội quốc gia và tổ chức phát triển trong lĩnh vực AI từ các nước BRICS và các quốc gia quan tâm khác.
"Nga phải tham gia một cách bình đẳng vào cuộc chạy đua toàn cầu nhằm tạo ra trí tuệ nhân tạo mạnh mẽ. Đây chính xác là những giải pháp tiên tiến mà các nhà khoa học Nga hiện đang nghiên cứu", ông Putin phát biểu tại một hội nghị về AI ở Moscow.
"Chúng tôi mời các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới tham gia hợp tác", ông nói thêm.
Mỹ và Trung Quốc là những cường quốc AI hàng đầu thế giới và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã bổ nhiệm một "Sa hoàng AI và tiền điện tử của Nhà Trắng" để giúp đảm bảo Mỹ vẫn là cường quốc giàu có nhất và tiên tiến nhất về công nghệ trên thế giới.
Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với các công nghệ mà nước này cần để duy trì cuộc chiến với Ukraine đã khiến các nhà sản xuất vi mạch lớn trên thế giới phải ngừng xuất khẩu sang Nga, hạn chế nghiêm trọng tham vọng AI của nước này.
Ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga Sberbank đang dẫn đầu trong việc phát triển AI tại Nga, nhưng Tổng giám đốc điều hành của Sberbank, ông German Gref, thừa nhận vào năm 2023 rằng bộ xử lý đồ họa (GPU) - vi mạch hỗ trợ quá trình phát triển AI, là phần cứng khó thay thế nhất mà Nga phải đối mặt.
Ngày 11/12, ngân hàng cho biết các hiệp hội AI quốc gia từ các thành viên BRICS là Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi, cũng như từ Serbia, Indonesia và các quốc gia không thuộc BRICS khác, đã tham gia Mạng lưới Liên minh AI.
Mạng lưới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nghiên cứu chung về công nghệ và quy định về AI, đồng thời tạo cơ hội để các sản phẩm AI được bán trên thị trường các quốc gia thành viên.
Theo các chuyên gia, động thái liên minh với Trung Quốc của ông Putin có thể thay đổi động lực của cuộc đua AI.
Nga là một trong 10 quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh và Israel, đang phát triển các mô hình AI tạo sinh của riêng họ. Công ty tư vấn Yakov and Partners, do cựu nhân viên McKinsey tại Moscow điều hành, cho biết điều này mang lại cho họ tiềm năng trở thành một nhân tố quan trọng hơn nhiều.
Nga dự kiến việc sử dụng công nghệ AI trên mọi lĩnh vực sẽ giúp tăng thêm 11,2 nghìn tỷ rúp (109 tỷ USD) vào tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2030, cao hơn nhiều so với 0,2 nghìn tỷ rúp (1,9 tỷ USD) vào năm 2023.
Chiến lược AI của nước này cũng nêu rõ rằng 80% lực lượng lao động Nga phải có kỹ năng AI vào năm 2030, trong khi con số này vào năm 2023 chỉ là 5%. Đầu tư vào AI phải tăng gấp bảy lần lên 850 tỷ rúp.
Sberbank, đơn vị đã phát triển mô hình AI tạo sinh có tên là GigaChat, và công ty công nghệ hàng đầu Yandex, với mô hình YandexGPT, đang thống trị thị trường AI trong nước của Nga.
Nga hiện xếp thứ 31 trong số 83 quốc gia về triển khai, đổi mới và đầu tư vào AI theo Chỉ số AI toàn cầu của Tortoise Media có trụ sở tại Anh, không chỉ kém Mỹ và Trung Quốc mà còn kém cả các thành viên BRICS khác là Ấn Độ và Brazil.
Công cụ đánh giá mức độ năng động của AI của Đại học Stanford, đánh giá 36 quốc gia dựa trên 42 chỉ số AI bao gồm nghiên cứu và phát triển, xếp hạng Nga ở vị trí thứ 29./.
Nguồn: Đầu tư tài chính