Người theo dõi

Ông Mai Hữu Tín kể chuyện vào Gỗ Trường Thành: Theo lời mời của ông Phương Hữu Việt, khẳng định TTF "không phải cuộc chơi dọn cho đẹp để bán"

Thứ Năm, 30/5/2024, 17:48 (GMT+7) 3 phút đọc
Năm 2017, khi ông Mai Hữu Tín “vào” TTF, ông Phương Hữu Việt đương là Chủ tịch HĐQT VietABank – một trong những chủ nợ lớn nhất của Gỗ Trường Thành.

Hành trình “vực dậy” CTCP Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) của ông Mai Hữu Tín đã “qua năm thứ 7 và bước vào năm thứ 8”.

Chia sẻ tại talkshow “The Future” hôm 25/5, vị doanh nhân này cho biết cơ duyên giúp ông đến với TTF là theo lời mời của doanh nhân Phương Hữu Việt – lúc bấy giờ đương là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank – Mã CK: VAB).

“Tôi quý anh Phương Hữu Việt với tư cách là bạn bè”, ông Tín bộc bạch. Hai người trước đó đã “quen biết” khi còn sinh hoạt tại Hội doanh nhân trẻ Việt Nam – “nơi” ông Phương Hữu Việt đảm nhiệm chức Chủ tịch hội nhiệm kỳ 2005-2008, còn ông Tín thì giữ cương vị này nhiệm kỳ 2011-2014.

Ông Mai Hữu Tín “vào” TTF từ năm 2017, sau biến cố “bốc hơi” gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho gây chấn động thị trường chứng khoán Việt Nam của doanh nghiệp này.

Ông Phương Hữu Việt, theo lời kể của vị doanh nhân gốc Bình Dương, khi ấy đang là cổ đông tại TTF. Còn VietABank, theo tìm hiểu của người viết, ở thời điểm đó, đang là một trong những chủ nợ lớn nhất của TTF (với dư nợ tại ngày 1/1/2017 ở mức 653,3 tỷ đồng và giảm xuống còn 252,5 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017). 

Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT TTF
Ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT TTF (Ảnh chụp màn hình)

Nếu thương vụ bồn nước Tân Mỹ là “mua của ta rồi chuyển giao cho ta”, giấy Sài Gòn là “mua của Nhật rồi bán cho Nhật”, thì TTF, như ông Tín chia sẻ, là mua để dành chứ “không phải vào dọn dẹp cho đẹp để bán”. Ông cũng thấy đây là một thương hiệu của Bình Dương (nơi ông Tín sinh ra và lớn lên) và bản thân có thể xoay chuyển được tình thế của TTF nên đã quyết định đầu tư vào.

Chặng đường “vực dậy” TTF, theo ông Tín, vẫn chưa hoàn tất nhưng ông đã nhìn thấy viễn cảnh rất đẹp, là một ngành nghề kinh doanh mà trong đó phần tạo ra giá trị ngay từ Việt Nam, của người Việt Nam và hoàn toàn có thể cạnh tranh ở quy mô toàn cầu.

“Hiện nay Trường Thành có 21.214 cổ đông. Chúng tôi xác định Trường Thành phải là doanh nghiệp cấp tỷ USD, phải dẫn dắt được cuộc chơi, ít nhất là trong khu vực Đông Nam Á, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với các thương hiệu hàng đầu thế giới trong ngành nội thất”, ông Tín nói.

Vị này cho biết TTF đã tham gia được vào các liên doanh, tên tuổi lớn nhất thế giới, thậm chí vừa mua được một thương hiệu hàng đầu châu Âu. Dù ông Tín không nói rõ gỗ Trường Thành đã tham gia vào liên doanh nào và mua thương hiệu nào ở châu Âu nhưng trong báo cáo thường niên năm 2023 có đề cập sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng lớn như Natuzzi, Crate & Barrel, Williams Sonoma, TJX và ETC.

“Tôi sẽ còn gắn bó hết sức lâu dài với cuộc chơi này. Đây không phải là cuộc chơi dọn dẹp để bán!”, ông Mai Hữu Tín khẳng định, đồng thời nở nụ cười tự tin. Phát biểu của vị doanh nhân đất Thủ cũng nhận được tràng pháo tay hưởng ứng từ phía dưới khán phòng.

Cổ phiếu TTF vẫn đang ngụp lặn ở vùng đáy (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: Trading View)
Cổ phiếu TTF vẫn đang ngụp lặn ở vùng đáy (Ảnh chụp màn hình - Nguồn: Trading View)

Ông Mai Hữu Tín sáng lập CTCP Đầu tư U&I (Unigroup) vào năm 1998. Trước đó, vị doanh nhân sinh năm 1969 được biết đến là phiên dịch viên tiếng Anh.

Có trình độ Tiến sĩ quản trị kinh doanh, ông Mai Hữu Tín được mệnh danh là trùm “giải cứu” sau thành công của các thương vụ bồn nước Tâm Mỹ và giấy Sài Gòn. Dù vậy, báo cáo thường niên năm 2023 của TTF ghi nhận “quá trình công tác” có phần khiêm tốn của ông Tín, tại TTF, Unigroup và Liên hiệp Công ty Xuất nhập khẩu Sông Bé.

7 năm sau sự xuất hiện của ông Mai Hữu Tín, TTF vẫn ngập trong khó khăn. Năm 2023, công ty này chỉ hoàn thành 70% kế hoạch doanh thu, đạt mức 1.567 tỷ đồng, đồng thời báo lỗ sau thuế 144,2 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh thiếu tích cực của TTF kéo dài sang quý đầu năm 2024, với khoản lỗ sau thuế 11,5 tỷ đồng./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Nhà đất Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên