Lê Nguyên Thứ Sáu, 11/10/2024, 17:03 (GMT+7)
Người theo dõi

Ông chủ phía sau Temu - ‘cơn bão’ hàng giá rẻ đang đổ bộ vào Việt Nam: Từ cựu kỹ sư Google đến ngôi người giàu nhất Trung Quốc

Temu là ‘cánh tay nối dài’ của Pinduoduo - gã khổng lồ thương mại điện tử đứng thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau Alibaba. Nhà sáng lập của Pinduoduo là ông Colin Huang (Hoàng Tranh) - người được xem là đại diện ưu tú cho một thế hệ doanh nhân công nghệ mới tại Trung Quốc.

Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam vốn đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt lại càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết với sự xuất hiện của Temu. 

Đế chế bán lẻ xuyên biên giới này được cho là sẽ thâu tóm một trong những nền tảng TMĐT ở Việt Nam, qua đó chính thức tiến vào thị trường TMĐT phát triển nhanh bậc nhất khu vực Đông Nam Á. 

Temu là nền tảng bán hàng online giá rẻ xuyên biến giới và cũng được xem là “cánh tay nối dài” của Pinduoduo - gã khổng lồ thương mại điện tử lớn thứ hai tại Trung Quốc, chỉ sau Alibaba.

Chân dung ông chủ Temu

Pinduoduo được sáng lập bởi doanh nhân Colin Huang (Hoàng Tranh) vào năm 2015 - thời điểm ngành TMĐT Trung Quốc đang được thống trị bởi Alibaba và JD.com. Khác với Jack Ma, ông Hoàng được xem là đại diện ưu tú cho một thế hệ doanh nhân công nghệ mới tại Trung Quốc.

Ông chủ phía sau Temu - sàn TMĐT đang âm thầm tiến vào Việt Nam: Từ thần đồng toán học đến top 3 người giàu nhất Trung QuốcTỷ phú Colin Huang là nhà sáng lập Pinduoduo - chủ sở hữu Temu

Sinh năm 1980, là thần đồng toán học, founder Pinduoduo đã thi đỗ vào Trường Ngoại ngữ Hàng Châu - nơi ông được tiếp xúc với con cái của tầng lớp tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, ông rời Trung Quốc để theo đuổi bằng thạc sĩ tại Đại học Wisconsin vào năm 2002. 

Ngay từ khi còn học đại học, chàng sinh viên Hoàng Tranh đã được giáo sư giới thiệu cho các gã khổng lồ công nghệ như Google và Microsoft. Sau nhiều đắn đo, ông chọn Google. Đây cũng là nơi ông trở thành một trong những kỹ sư đầu tiên viết thuật toán cho sàn thương mại điện tử. 

Không lựa chọn an phận nơi xứ người, ông Hoàng hồi hương và dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Bằng số tiền thu được khi bán cổ phần tại Google, ông sáng lập ra trang thương mại điện tử Oukou - chuyên bán thiết bị điện tử như điện thoại di động và đồ gia dụng.

3 năm sau đó, ông Hoàng bán Oukou với giá 2,2 triệu USD và lập ra công ty khởi nghiệp thứ hai là Leqee, với mục đích giúp những thương hiệu lớn điều hành shop của họ trên những nền tảng mua sắm internet lớn nhất Trung Quốc.

Tiếp đó, ông lại thiết lập một dự án khác mang tên Lebbay. Áp dụng những kỹ năng tích lũy được ở Google, Lebbay xây dựng hàng loạt website mua sắm trực tuyến tập trung vào món đồ luôn nằm trong top tìm kiếm của khách hàng.

Sự ra đời của Pinduoduo - và cũng là công ty khởi nghiệp thứ tư - đã đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp kinh doanh của vị doanh nhân thế hệ 8x. Nền tảng này đã nhắm trúng vào thời điểm người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu chuộng thói quen mua sắm online.

Trên đà tăng trưởng, năm 2018, cổ phiếu PDD của PDD Holdings - chủ sở hữu Pinduoduo - bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq. Hai năm sau đó, ông Hoàng bất ngờ từ chức giám đốc điều hành công ty. Ông cũng rời ghế Chủ tịch Pinduoduo một năm sau đó. 

Dù vậy, với 28% cổ phần còn lại tại PDD Holdings, cựu kỹ sư Google vẫn đủ sức soán ngôi người giàu nhất Trung Quốc - được nắm giữ bởi “vua” đồ uống Zhong Shanshan (Chung Thiểm Thiểm) - vào tháng 8 vừa rồi nhờ khối tài sản ròng  trị giá 48,6 tỷ USD.

Còn cập nhật theo bảng xếp hạng mới nhất của Forbes, nhà sáng lập Pinduoduo sở hữu khối tài sản ròng 49,9 tỷ USD - giàu thứ 33 toàn thế giới. 

“Cơn bão” Temu mạnh cỡ nào?

Với triết lý kinh doanh “không phải là rẻ mà là làm cho người dùng cảm thấy như họ đã mua được món hời”, Temu đã khuấy đảo từng thị trường mà ứng dụng này bước chân đến. 

Khi ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2022, Temu nhắm vào những người tiêu dùng mệt mỏi vì lạm phát. Nền tảng này cung ứng các sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. 

Thành công ở thị trường quốc tế giúp kết quả kinh doanh của Pinduoduo khởi sắc. Năm 2023, công ty này ghi nhận doanh thu ở mức 248 tỷ nhân dân tệ (35 tỷ USD), tăng 90% so với năm 2022.

Sau khi làm mưa làm gió ở thị trường Mỹ, Temu hiện đang tích cực tiếp cận thị trường Đông Nam Á, với sự hiện diện tại Philippines, Malaysia và Thái Lan. Như đã nêu, Temu đang có những bước tiến để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.

Trên website của Temu Việt Nam, các sản phẩm đã được hiển thị bằng VND. Việc vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam sẽ mất 4-7 ngày, nhanh hơn nhiều so với 5-20 ngày đến Malaysia và Philippines do lợi thế về khoảng cách địa lý và sự kết nối thông qua đường bộ.

Tuy nhiên, ngoài việc phải cạnh tranh với những tên tuổi cũ (Shopee, Tiktok Shop, Tiki, Lazada), Temu nhiều khả năng sẽ phải đọ sức với một cái tên mới, là Vipo Mall của Viettel Post (Mã CK: VTP) - tập đoàn bưu chính hàng đầu Việt Nam với mạng lưới vận chuyển phủ sóng khắp 63 tỉnh thành./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên