Mạnh Dũng Thứ Ba, 17/12/2024, 18:53 (GMT+7)
Người theo dõi

Nutifood có 'mua hớ' Kido Foods?

Anh em đại gia Trần Lệ Nguyên có vẻ đã lại thêm một lần "bỏ nhỏ" thành công đối tác bằng 'tuyệt kĩ' cũ. Còn nhà chủ Nutifood dường như đã chẳng rút được gì từ bài học mà Mondelez từng trả...
Nutifood có 'mua hớ' Kido Foods?

Không chỉ người viết mà hầu hết các báo lớn, báo bé và các chuyên gia phân tích đều chung ngộ nhận, rằng hai thương hiệu kem Merino và Celano đã 'về tay' CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Nutifood).

Nutifood vừa mua 51% cổ phần Kido Foods - đơn vị sở hữu kem Merino và Celano, trở thành công ty mẹ và kiểm soát công ty này”, một tờ báo đưa tin về sự kiện hồi tháng 9, đồng thời giật dòng tít: Thương hiệu kem Merino và Celano của Kido về tay Nutifood. 

Thật ra, không chỉ truyền thông, bản thân Nutifood cũng ‘việt vị’!

Ngay tại thông cáo về sự kiện mua lại thành công 51% cổ phần CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods) từ CTCP Tập đoàn Kido (Mã CK: KDC), họ viết: “Kido Foods (công ty thành viên của Kido Group) là một trong các hãng kem lớn nhất Việt Nam khi sở hữu 2 thương hiệu “đình đám”, quen thuộc với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam là Celano và Merino”.

Thống kê của Euromonitor cho thấy, doanh số Kido Foods tăng trưởng ấn tượng theo từng năm, nắm giữ trên 40% thị phần từ năm 2019 cho đến nay, bất chấp sự cạnh tranh gay gắt của nhiều “ông lớn” trong lẫn ngoài nước.

Các số liệu từ Euromonitor cũng ghi nhận năm 2023, Kido Foods tiếp tục đứng đầu toàn ngành kem khi chiếm tới 46,7% thị phần. Trong đó, chỉ riêng Merino và Celano, tính độc lập, 2 thương hiệu này cũng đã chiếm lần lượt 25,9% và 19,6% thị phần, cao hơn con số của toàn ngành hàng kem của đơn vị đứng thứ hai và thứ 3 trong bảng xếp hạng”.

Và, cũng không kém phần quan trọng, nhờ thâu tóm Kido Foods, Nutifood có luôn trong tay một hệ thống phân phối ngành đông lạnh với hàng trăm nghìn tủ kem bao phủ rộng khắp từ điểm bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại cho đến nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí,… trên khắp cả nước.

Đó là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất để ông lớn ngành thực phẩm dinh dưỡng đang lên lấn sân ngành hàng đông lạnh, theo ông Trần Bảo Minh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Nutifood. 

Kịch bản ấy đẹp, nhưng…

Một chi tiết trong nghị quyết triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 được HĐQT Kido thông qua cho thấy tập đoàn này thực ra mới chỉ bán ‘phần xác’ cho Nutifood. 

Cụ thể, theo nghị quyết công bố ngày 10/12, Kido nêu rằng các nhãn hiệu Celano và Merino hiện thuộc “sở hữu và quản lý” của tập đoàn.

Ít người để ý, ngay trước thềm bán mình cho Nutifood, Kido Foods đã chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu Celano sang cho Kido, được xác lập bởi quyết định số 126465/QĐ-SHTT ngày 28/12/2023. 

Động thái gợi nhớ về lần nhà chủ Kido bán mảng bánh kẹo. Một thương vụ ồn ã, cho đến giờ vẫn nhận được nhiều sự quan tâm, dù đã diễn ra cách đây ngót một thập kỷ.

Merino và Celano đã về tay Nutifood? Đừng nhầm…Thương hiệu kem Celano, Merino đã được chuyển về Kido từ trước, Nutifood có 'mua hớ' Kido Foods?

Theo nội dung nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2014 của CTCP Kinh Đô (tiền thân của Kido), thương vụ chuyển nhượng 100% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương - viết tắt: BKD, công ty chuyên phụ trách mảng  bánh kẹo của Kinh Đô - cho Mondelez International sẽ có hai cấu phần chính. 

Cụ thể, theo nghị quyết này, giá chuyển nhượng trước thuế cho giao dịch chuyển nhượng cổ phần lần đầu (80% vốn BKD) là 7.846,8 tỷ đồng; và thêm 1.961,7 tỷ đồng cho 20% còn lại trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền chọn mua. Như vậy, tổng giá trị chuyển nhượng trước thuế của thương vụ là 9.809 tỷ đồng (khoảng 450 triệu USD). Mức giá này chưa bao gồm tiền mặt, các khoản phải thu và khấu trừ nghĩa vụ phải trả, và tùy thuộc vào các điều chỉnh cụ thể. 

Trong khi đó, phía Mondelez International cho biết đã chi 12.404 tỷ đồng (569 triệu USD) để mua lại ‘một mảng hoạt động kinh doanh bánh kẹo tại Việt Nam’. Con số này ‘vênh’ gần 2.600 tỷ đồng so với giá trị thương vụ mà Kido đề cập. Có nguồn nói rằng, đó chính là số mà Mondelez phải chấp nhận chi thêm để mua thương hiệu và một số điều khoản kèm theo.

Thương hiệu Kinh Đô - tài sản sở hữu trí tuệ quan trọng nhất của thương vụ trên - vốn đã được nhà chủ KDC 'cấu trúc' từ trước ra cho Công ty TNHH Đầu tư Kido (Kido Invest) nắm giữ. Bản thân CTCP Kinh Đô và các công ty liên quan, trước đó, vẫn phải trả phí hàng năm cho Kido Invest để được quyền sử dụng nhãn hiệu này.

Dĩ nhiên, Kido Invest là pháp nhân thuộc sở hữu của gia đình ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên. Một pha xử lý tưởng như 'cồng kềnh' nhưng lại rất 'tinh tế' @@

Và giờ, với deal Kido Foods, liệu vợ chồng ông Trần Thanh Hải có chấp nhận "chạc" thêm cho anh em đại gia Trần Lệ Nguyên - như cách mà ông lớn bánh kẹo Mỹ đã 'bấm bụng' năm nào...

Chấp nhận mức định giá hơn 200 triệu USD (thậm chí có nguồn còn đưa ra con số lớn hơn nữa: Nutifood chốt giá 3.800 tỉ đồng cho 51% cổ phần Kido Foods), hẳn Nutifood không chỉ muốn lấy "xác"?! Mà "phần hồn" của Kido Foods thì có gì tinh túy hơn hai thương hiệu kem Merino và Celano...

 Ai tư vấn cho Nutifood trong deal Kido Foods?

CTCP Chứng khoán Rồng Việt (Mã CK: VDS) được tiếng trên thị trường trong việc thu xếp các deal M&A và cũng được vinh danh không ít giải thưởng nhờ mảng kinh doanh này.

Tại một bản tin đăng tải trên website chính thức, công ty này cho biết: “Trong năm 2024, Chứng khoán Rồng Việt đã và đang tham gia tư vấn cho nhiều thương vụ M&A nổi bật như thương vụ Tập đoàn KIDO mua 75% vốn cổ phần Hùng Vương Plaza, tư vấn CTCP Thủy Điện Hủa Na nhận chuyển nhượng 100% dự án nhà máy thủy điện Nậm Nơn, thương vụ chuyển nhượng cổ phần tại TNM Digital cho Rohto Pharmaceutical... 

Trước đó, gần nhất vào năm 2023, Rồng Việt đã hoàn tất tư vấn cho các thương vụ mua bán, sáp nhập nổi bật khác như Tập đoàn KIDO mua 68% cổ phần CTCP Thọ Phát, Nutifood nhận chuyển nhượng 51% cổ phần CTCP Thực phẩm Đông lạnh KIDO”.

Nhiều lần sắm vai nhà tư vấn cho nhóm Nutifood nhưng nên nhớ rằng, VDS còn nhiều lần hơn đóng vai trò tương tự trong các deal của Kido Group. 

CEO Kido Group Trần Lệ Nguyên, nên biết, từng ngồi ghế Chủ tịch HĐQT VDS. Vị doanh nhân gốc Hoa được miễn nhiệm khỏi chiếc ghế quyền lực nhất tại VDS hồi tháng 5/2020 nhưng Kido Group, ở giác độ nào đó, vẫn có những hỗ trợ tích cực cho công ty chứng khoán này.

Cho đến cuối quý 3/2024, Kido Group vẫn còn nắm giữ 173.700 trái phiếu VDS, với giá trị theo mệnh giá ở mức 173,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm./. 

Chia sẻ
Báo cáo
Mạnh Dũng Người dùng
Vĩ mô Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên