Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Nước Mỹ sẽ ra sao dưới thời Trump 2.0?

09:11 07/11/2024

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã ngã ngũ khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã giành chiến thắng, qua đó trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Giờ đây, không ít người cho rằng, khi quay trở lại tòa Bạch Ốc, vị Tổng thống 78 tuổi sẽ tiếp tục chính sách "nước Mỹ trên hết" tương tự trong nhiệm kỳ đầu theo chủ nghĩa biệt lập, mặc dù có thể có các điều chỉnh theo hướng mềm mỏng hơn.

Về kinh tế và chống lạm phát, Tổng thống Donald Trump với nhiệm kỳ thứ 2 có thể nhấn mạnh việc cắt giảm thuế và các chính sách kinh tế phi điều tiết nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới và việc làm; cắt giảm mạnh chi tiêu chính phủ để giảm lạm phát, cắt giảm thuế cho cá nhân và giảm bớt các quy định tài chính.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump 2.0 có thể xem xét gia hạn các đợt cắt giảm thuế năm 2017 đối với các cá nhân (sắp hết hạn vào năm 2025), đề xuất giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15%; thực hiện các biện pháp kích thích tài khóa mạnh hơn, nới lỏng kiểm soát tiền tệ, thu hút đầu tư, ưu tiên dịch chuyển về trong nước.

Về nhập cư và an ninh biên giới, chính quyền Tổng thống Trump 2.0 có thể áp dụng các chính sách nhập cư cứng rắn, tìm cách giảm bớt số lượng người nhập cư vào Mỹ, tăng cường trục xuất người nhập cư bất hợp pháp; có thể tiến hành chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử. Đồng thời, mở rộng các lệnh cấm du lịch từ các quốc gia có đa số người Hồi giáo, tìm cách chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh ra đối với những người sinh ra ở Mỹ mà cha mẹ cư trú bất hợp pháp.

Với xung đột Ukraine, Chính quyền Tổng thống Trump 2.0 có thể đảo ngược chính sách, đặt điều kiện cho viện trợ, đánh giá lại sứ mệnh và mục đích của NATO và yêu cầu các nước châu Âu phải tăng phần đóng góp cho quốc phòng của Ukraine. Dự kiến kế hoạch chấm dứt chiến tranh là đưa Nga-Ukraine vào bàn đàm phán theo hướng Ukraine phải từ bỏ một phần lãnh thổ và không gia nhập NATO. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa có chi tiết cụ thể nào.

Đối với xung đột Trung Đông, chính quyền Tổng thống Trump 2.0 có thể tiếp tục ủng hộ và viện trợ cho Israel trong cuộc chiến với Iran và các lực lượng khác trong khu vực như Hamas, Hezbollah, Houthi. Cách tiếp cận đối với Trung Đông được xác định bởi sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Israel và Saudi Arabia, và lập trường đối đầu với Iran; không chú trọng đến giải pháp hai nhà nước vốn được lưỡng đảng và quốc tế thúc đẩy.

Với Nga, việc ông Trump quay lại nắm quyền có lợi cho quan hệ Nga-Mỹ vì đã từng để ngỏ các cơ hội hợp tác với Nga. Tuy nhiên, chính sách của ông Trump đối với Nga không rõ ràng và có thể thay đổi khi muốn bình thường hóa quan hệ với Nga, nhưng đang bị các đạo luật liên quan hạn chế và trói buộc. Trên cương vị Tổng thống, ông đã vun đắp mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga, mặc dù cũng gia hạn lệnh trừng phạt Nga vì việc sáp nhập lãnh thổ Ukraine năm 2014 và rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn giữa Mỹ và Nga.

Đối với Trung Quốc, ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc chiến thương mại như đã làm ở nhiệm kỳ trước, cho rằng hệ thống thương mại toàn cầu bị thao túng chống lại lợi ích của Mỹ và khiến Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn, sản xuất bị suy giảm và chuyển việc làm của người Mỹ ra nước ngoài.

Ông Trump có thể sẽ sử dụng công cụ thuế quan cứng rắn và rộng hơn, thông qua tăng thuế, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng, hạn chế xuất khẩu hàng công nghệ cao. Cụ thể, ông Trump đã đề xuất mức thuế khoảng 10% đối với gần như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài; tăng cường trừng phạt nếu các đối tác thương mại bị cáo buộc thao túng tiền tệ hoặc tham gia vào các hoạt động giao dịch không công bằng khác; sử dụng các biện pháp đáp trả thuế quan tương ứng đối với các đối tác.

 Nguồn tham khảo: VOV