Nguyễn Thiên Phúc Anh Thứ Hai, 8/7/2024, 15:16 (GMT+7)
Người theo dõi

NKG: Thép Nam Kim muốn huy động 1.600 tỷ đồng làm nhà máy thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu

HĐQT CTCP Thép Nam Kim (Mã CK: NKG) vừa thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu nhằm huy động vốn cho dự án Nhà máy Thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, NKG dự kiến sẽ phát hành tối đa 131,6 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu.,cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 1 cổ phiếu mới. Ước tính, NKG có thể huy động được tối đa 1.579,2 tỷ đồng.

Toàn bộ số vốn huy động sẽ được sử dụng cho dự án Nhà máy Nam Kim Phú Mỹ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án này bao gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm với công suất 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, cùng dây chuyền mạ màu 150.000 tấn/năm. Tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 là 4.500 tỷ đồng.

Chủ tịch Hồ Minh Quang cho biết nhà máy đã có giấy phép khởi công và dự kiến đi vào hoạt động từ quý IV/2025 hoặc quý I/2026. Công suất dự kiến đạt 100% vào năm 2027, nâng công suất của Công ty từ 1 triệu tấn/năm lên 1,6 triệu tấn/năm.

Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ chia sẻ, việc xây dựng nhà máy mới nhằm đón đầu sự hồi phục của kinh tế toàn cầu trong năm 2025-2026. Nhà máy mới sẽ tập trung vào dòng sản phẩm chất lượng cao hơn, phục vụ các ngành công nghiệp phụ trợ, cơ khí phụ trợ, điện gia dụng và công nghiệp ô tô.

Trong quý 1/2024, NKG ghi nhận lãi ròng 150 tỷ đồng, cao hơn so với quý liền trước và cải thiện đáng kể so với cùng kỳ (lỗ 50 tỷ đồng). Kết quả này chủ yếu đến từ sự tích cực của kênh xuất khẩu, trong khi kênh nội địa vẫn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế chưa hồi phục và người dân thắt chặt chi tiêu.

Các công ty chứng khoán dự báo hoạt động kinh doanh của NKG tiếp tục hồi phục dựa trên xuất khẩu. Các thị trường trọng điểm của NKG như Bắc Mỹ và châu Âu hiện đang chuẩn bị nới lỏng chính sách tiền tệ từ nửa cuối năm nay, góp phần thúc đẩy nhu cầu của ngành bất động sản và xây dựng.

Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu của hãng thép này còn được kỳ vọng hưởng lợi từ việc áp dụng biện pháp tự vệ tại thị trường châu Âu.

Cụ thể, Ủy ban châu Âu đã giảm hạn ngạch tự do hóa từ 4% xuống 1%/năm và giới hạn lượng nhập khẩu tối đa là 15% trên mỗi quốc gia của hạn ngạch miễn thuế hiện có vào đầu quý đối với các loại sản phẩm thuộc nhóm 1 và nhóm 16. Các điều chỉnh trên sẽ có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 đến ngày 30/06/2026./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên