Những lần 'cá mập' của Shark Tank Việt Nam 'mắc cạn'
19:33 29/03/2024
Các 'Shark' thường được xem là những doanh nhân dày dạn kinh nghiệm trên thương trường. Tuy nhiên, cũng không ít lần họ gây ra những tranh cãi, thậm chí là vướng vào vòng lao lý.
“Shark” Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Apax Holdings
Hôm 25/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) – liên quan đến vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại CTCP Tập đoàn giáo dục Egroup (Egroup), CTCP đầu tư và phân phối Egame.
Động thái này diễn ra trong quá trình nhà chức trách điều tra xác minh, giải quyết đơn của nhiều nhà đầu tư tố cáo "Shark" Thủy lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần Egroup.
Sinh năm 1982, ông Nguyễn Ngọc Thủy là Chủ tịch HĐQT Egroup, Chủ tịch HĐQT CTCP Apax Holdings, đồng thời là Tổng giám đốc CTCP Anh ngữ Apax (Apax English).
Ông được biết đến là doanh nhân đã từng bỏ ngang đại học và phát triển xây dựng được tập đoàn nghìn tỷ từ hai bàn tay trắng.
Ông Thủy cũng từng có 3 mùa tham gia chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam (2017 – 2019) với vai trò là nhà đầu tư chính.
Năm 2023, "Shark" Thủy bất ngờ bị nhiều người tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng thông qua các loại hợp đồng dưới hình thức tiền gửi.
Trước đó, hệ thống các trung tâm Anh ngữ Apax Leader của ông cũng gặp lùm xùm khi bị nhiều phụ huynh khiếu nại có hành vi yêu cầu đóng tiền học trước nhưng sau đó đột ngột đóng cửa hoặc chuyển sang giảng dạy online.
“Shark” Phạm Văn Tam - Asanzo
Một trong những “cá mập” khác từng gây ồn ào truyền thông trong nước là ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Asanzo.
Theo đó, năm 2019, khi vừa ghi hình xong tất cả các tập của Shark Tank Việt Nam mùa 3, Tập đoàn Asanzo của 'Shark' Tam dính nghi vấn nhập linh kiện từ Trung Quốc rồi gán nhãn "xuất xứ Việt Nam".
Bên cạnh đó, Asanzo còn vướng nhiều vi phạm khác như lừa dối người tiêu dùng, vi phạm xuất xứ hàng hóa, trốn thuế, …
Tuy nhiên, kết luận của Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu (C03) cho biết pháp luật chưa có quy định về tiêu chí hàng hóa được ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam". Do đó, việc Asanzo mua linh kiện từ các công ty và cá nhân trong nước, sau đó gia công rồi ghi nhãn "xản xuất tại Việt Nam", hoặc "chế tạo tại Việt Nam", "nước sản xuất Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam" hoặc "sản xuất bởi Việt Nam" là phù hợp quy định.
“Shark” Đỗ Thị Kim Liên
Nổi lên từ Shark Tank Việt Nam mùa 3, bà Đỗ Thị Kim Liên – Chủ tịch HĐQT CTCP Nước Xuân Mai - Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch HĐQT CTCP Bảo hiểm AAA... cũng dính hàng loạt lùm xùm.
Theo đó, dự án nhà máy nước mặt sông Đuống của "Shark" Liên từng khiến dư luận nổi sóng khi có giá bán cao gấp 2 lần so với mức giá thông thường, cao nhất lên đến 10.246 đồng/m2.
Bên cạnh đó, dự án này từng bị Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng tuýt còi do chủ đầu tư không cung cấp đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống…
Cũng tại dự án này, hồi tháng 11/2019, bản thân"Shark" Liên gây xôn xao mạng xã hội khi bà chia sẻ những hình ảnh đang chơi golf bên cạnh hồ chứa nước của nhà máy.
Trong thời điểm dịch Covid-19, CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) của Shark Liên tiếp tục gây sóng dư luận khi cho ra mắt sản phẩm mới mang tên “Corona Care - Chung tay đẩy lùi Corona”.
Theo đó, người mua chỉ cần bỏ ra 200.000 đồng/năm sẽ được hưởng quyền lợi tối đa lên đến 100 triệu đồng nếu xét nghiệm dương tính với Sars-CoV-2 sau thời điểm mua bảo hiểm.
Tuy nhiên, VASS sau đó đã bị xử phạt hành chính do gói bảo hiểm trên vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng về việc “Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm đối với bệnh Covid-19”.
Shark Hoàng Khải (Khaisilk)
Ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn KhaiSilk - xuất hiện ở mùa đầu tiên của Shark Tank Việt Nam, nhưng sau đó phải rút lui giữa chừng khỏi chương trình do liên quan đến việc gian lận nguồn gốc hàng hóa của thương hiệu Khaisilk.
Cụ thể, trung tuần tháng 10/2017, một khách hàng đã tình cờ phát hiện một trong số 60 chiếc khăn lụa mua từ cửa hàng KhaiSilk ở 113 Hàng Gai, Hà Nội vừa có mác “Made in Vietnam” vừa có mác “Made in China”.
Không lâu sau đó, ông Hoàng Khải đã chính thức thừa nhận có bán hàng tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc và cúi đầu xin lỗi người tiêu dùng.
Tháng 12/2017, Bộ Công thương kết luận Công ty TNHH Khải Đức (thuộc tập đoàn Khải Silk) có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi che giấu các thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch cho người tiêu dùng. Hai ngày sau, ông Hoàng Khải đã thôi chức vụ người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức./.