Lần đầu tiên sau hơn ba thập kỷ, Nhật Bản không còn là chủ nợ lớn nhất thế giới, mặc dù giá trị tài sản ròng ở nước ngoài của quốc gia này vẫn đạt mức cao kỷ lục.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính Nhật Bản, tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản ròng ở nước ngoài của nước này đạt 533.050 tỷ yên, tương đương 3.700 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2023. Tuy nhiên, con số này vẫn xếp sau Đức với 569.700 tỷ yên, còn Trung Quốc đứng thứ 3 với 516.300 tỷ yên.

Nhật Bản rơi xuống vị trí thứ 2, sau Đức về lượng tài sản ròng đối ngoại (Nguồn: Bloomberg)
Sự vươn lên của Đức được thúc đẩy bởi mức thặng dư tài khoản vãng lai lên tới 248,7 tỷ euro trong năm 2024, phần lớn nhờ xuất khẩu mạnh và hiệu suất thương mại tích cực. Trong khi đó, thặng dư của Nhật Bản đạt 29.400 tỷ yên, tương đương khoảng 180 tỷ euro.
Bên cạnh đó, đồng euro tăng giá khoảng 5% so với đồng yên trong năm 2024 cũng khiến giá trị tài sản ròng của Đức tính theo đồng yên tăng mạnh, tạo lợi thế về mặt quy đổi so với Nhật.
Mặc dù đồng yên suy yếu đã góp phần làm tăng giá trị tài sản nước ngoài của Nhật Bản(do quy đổi sang yên cao hơn), nhưng đồng thời cũng làm gia tăng nợ nước ngoài.
Một phần trong mức tăng này đến từ việc doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ và Anh. Các lĩnh vực hấp dẫn vốn Nhật Bản bao gồm tài chính, bảo hiểm và bán lẻ.
Trong trung hạn, việc các doanh nghiệp Nhật Bản có tiếp tục mở rộng đầu tư toàn cầu hay không sẽ là yếu tố then chốt. Thị trường Mỹ, với quy mô và tính ổn định cao, vẫn là đích đến ưu tiên, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tái áp dụng các chính sách thương mại cứng rắn.
Để giảm rủi ro từ các rào cản thuế quan, nhiều công ty Nhật Bản có thể chọn chuyển tài sản hoặc mở rộng sản xuất trực tiếp tại Mỹ – vừa để né thuế, vừa tận dụng ưu đãi nội địa hóa chuỗi cung ứng./.
Nguồn tham khảo: Bloomberg