Minh Long Thứ Bảy, 12/10/2024, 10:59 (GMT+7)
Người theo dõi

Nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, Vietcombank và MBBank được hưởng những ưu đãi gì?

Ban lãnh đạo Vietcombank và MBBank đều cho biết sẽ nhận được nhiều chính sách ưu đãi khi nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để hai "ông lớn" này có thể tăng trưởng vượt trội trong những năm tới.

Lãnh đạo Ngân hàng Xây Dựng (CBBank) từng nhiều lần chia sẻ đang hoàn tất các thủ tục để sẵn sàng nhận chuyển giao bắt buộc về Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB)

Còn Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã CK: MBB) cũng đang hỗ trợ Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và thông báo đã hoàn tất thủ tục nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, kỳ vọng xong trong năm nay hoặc 2025 sau khi Chính phủ phê duyệt.

Đúng như tên gọi, các ngân hàng yếu kém đều thuộc diện "yếu" và "kém". Một số có lỗ lũy kế và đang tiếp tục lỗ. Song, việc nhận chuyển giao những nhà băng này cũng mang tới không ít những ưu đãi và lợi ích cho đơn vị tiếp quản.

Vietcombank có thể nhận được một loạt chính sách ưu đãi

Trong tài liệu phục vụ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo Vietcombank cho biết việc nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém sẽ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế; đồng thời tạo cơ hội mang lại lợi ích cho cổ đông.

Cụ thể, Vietcombank sẽ được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của ngân hàng đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế cho Vietcombank trong suốt thời gian tổ chức tín dụng (TCTD) chưa hết lỗ luỹ kế.

Bên cạnh đó, NHNN không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm của Vietcombank nếu ngân hàng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định; Vietcombank được phát hành trái phiếu dài hạn cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ngay sau khi nhận chuyển giao bắt buộc; được trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ để tăng vốn tự có (trong các năm xử lý lỗ lũy kế của TCTD); được mở thêm Chi nhánh/PGD trên các địa bàn tỉnh thành phố với số lượng tối thiểu bằng ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có số chi nhánh/PGD thấp nhất trên địa bàn.

Ngoài ra, Vietcombank không phải áp dụng các điều kiện hạn chế trong giao dịch với TCTD nhận chuyển giao với tư cách là một ngân hàng con của Vietcombank, các giao dịch liên quan đến tài sản có với TCTD được áp dụng hệ số rủi ro 0% khi tính tỷ lệ an toàn và được phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, ban lãnh đạo Vietcombank tiếp tục nhấn mạnh lại những lợi ích khi tiếp nhận ngân hàng yếu kém.

Nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, Vietcombank và MB sẽ được hưởng những ưu đãi gì?Ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT Vietcombank

Theo ông Đỗ Việt Hùng - Thành viên HĐQT Vietcombank, nếu nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, Vietcombank sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn, đã được Luật TCTD 2024 quy định.

Ngoài ra, tổ chức nhận chuyển giao sẽ có quyền định đoạt, xử lý tổ chức chuyển giao bắt buộc: nếu tìm được tổ chức nước ngoài phù hợp, có thể bán tổ chức nhận chuyển giao, duy trì hoặc có phương án khác như chuyển đổi, cải cách (chẳng hạn như chuyển sang ngân hàng số).

MBBank có thể tăng trưởng vượt trội sau khi tiếp nhận ngân hàng yếu kém

 "Nếu được phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng thì mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ cao hơn", Chủ tịch MBBank Lưu Trung Thái cho biết.

Nhận chuyển giao ngân hàng 0 đồng, Vietcombank và MB sẽ được hưởng những ưu đãi gì?Ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch HĐQT MBBank

Trước đó, ban lãnh đạo của MBBank cũng đã nhiều lần chia sẻ về những lợi ích khi tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc một TCTD giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

Đồng thời, việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MBBank và TCTD được chuyển giao bắt buộc (dự kiến khoảng 401 điểm mạng lưới trên toàn quốc) cùng với các điều kiện ưu tiên được phát triển mạng lưới trong tương lai sẽ giúp MB tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số của MB.

Trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, MBBank được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, qua đó MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/ hoặc tăng quy mô cho MB.

Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường

Chia sẻ
Báo cáo
Minh Long Người dùng
Vĩ mô Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên