Nhà thầu xây dựng là gì?Có những kiểu nhà thầu xây dựng nào?
21:08 31/10/2024
Nhà thầu xây dựng chính thường được hiểu đơn giản là đơn vị hiện thực hóa các công trình xây dựng từ bản vẽ xây dựng. Trên thực tế, có rất nhiều phân loại nhà thầu trong quá trình thi công với những nhiệm vụ và trách nhiệm chuyên biệt. Vậy có các loại nhà thầu xây dựng nào và họ đảm trách những phần việc nào trong quá trình thi công? Hãy cùng DFF.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nhà thầu xây dựng là gì?
Tại Khoản 28 Điều 3 Luật xây dựng 2014 nhà thầu trong hoạt động đầu tư xây dựng (sau đây gọi là nhà thầu) là tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng khi tham gia quan hệ hợp đồng trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Các loại nhà thầu trong xây dựng
Hiện nay, có 2 loại nhà thầu trong xây dựng là nhà thầu chính và nhà thầu phụ.
- Nhà thầu chính là nhà thầu chịu trách nhiệm chính khi tham gia dự thầu. Họ là người trực tiếp ký kết hợp đồng với nhà đầu tư cũng như chính là người đứng tên dự thầu. Nhà thầu chính có thể là 1 cá nhân hoặc 1 tổ chức, 1 doanh nghiệp…
- Nhà thầu phụ là nhà thầu tham gia thực hiện các gói thầu theo đúng hợp đồng mà họ đã ký kết với nhà thầu chính. Họ làm việc trực tiếp với nhà thầu chính chứ không phải nhà đầu tư.
Bên cạnh nhà thầu xây dựng chính và phụ, cũng có một số loại nhà thầu nữa, có thể kể đến như:
- Nhà thầu phụ đặc biệt: Là loại nhà thầu phụ trách một số công việc quan trọng của gói thầu xây dựng mà nhà thầu chính đã đề xuất trong hồ sơ.
- Nhà thầu trong nước: Là các cá nhân/đơn vị/tổ chức được thành lập theo pháp luật của Việt Nam và thường là cá nhân/tổ chức mang quốc tịch Việt Nam.
- Nhà thầu nước ngoài: Là các cá nhân/tổ chức được thành lập theo pháp luật của quốc gia khác. Họ mang quốc tịch nước ngoài nhưng có tham gia dự thầu tại Việt Nam.
Trách nhiệm của nhà thầu xây dựng
Hiện nay, trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng được quy định tại Điều 13 của Nghị định 06/2021/NĐ-CP về Quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng và được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 10/2021/TT-BXD. Cụ thể như sau:
- Tiếp nhận và quản lý mặt bằng xây dựng, bảo quản mốc định vị và mốc giới công trình, quản lý công trường xây dựng theo quy định.
- Lập và thông báo cho chủ đầu tư và các chủ thể có liên quan về hệ thống quản lý thi công xây dựng của nhà thầu. Hệ thống quản lý thi công xây dựng phải phù hợp với quy mô, tính chất của công trình.
- Trình chủ đầu tư chấp thuận các nội dung như kế hoạch tổ chức thí nghiệm kiểm tra; biện pháp kiểm tra, kiểm soát chật lượng công trình; tiến độ thị công và các nội dung cần thiết khác theo yêu cầu của chủ đầu tư và quy định của hợp đồng.
- Bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo quy định của hợp đồng xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan. Tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động đối với phần việc do mình thực hiện.
- Thực hiện trách nhiệm của bên giao thầu trong việc mua sắm, chế tạo, sản xuất vật liệu, sản phẩm, cấu kiện, thiết bị được sử dụng cho công trình theo quy định của hợp đồng xây dựng.
- Tổ chức thực hiện các công tác thí nghiệm, kiểm tra, thử nghiệm, kiểm định vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước và trong khi thi công xây dựng theo yêu cầu của thiết kế và quy định của hợp đồng xây dựng..
- Thi công xây dựng theo đúng hợp đồng xây dựng, giấy phép xây dựng (nếu có), thiết kế xây dựng công trình. Kiểm soát chất lượng thi công, kịp thời thông báo cho chủ đầu tư nếu phát hiện sai khác giữa hồ sơ thiết kế, hợp đồng xây dựng so với điều kiện thực tế trong quá trình thi công.
- Dừng thi công xây dựng đối với công việc xây dựng, bộ phận, hạng mục công trình khi phát hiện có sai sót, khiếm khuyết về chất lượng hoặc xảy ra sự cố công trình và khắc phục các sai sót, khiếm khuyết, sự cố này.
- Thực hiện trắc đạc, quan trắc công trình theo yêu cầu thiết kế. Thực hiện thí nghiệm, kiểm tra chạy thử đơn động và chạy thử liên động theo kế hoạch trước khi đề nghị nghiệm thu.
- Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác thi công xây dựng đối với các phần việc do nhà thầu phụ thực hiện.
- Sử dụng chi phí về an toàn lao động trong thi công xây dựng đúng mục đích.
- Lập nhật ký thi công xây dựng công trình và bản vẽ hoàn công theo quy định.
- Yêu cầu chủ đầu tư tổ chức thực hiện các công tác nghiệm thu theo quy định.
- Hoàn trả mặt bằng, di chuyển vật tư, máy móc, thiết bị và những tài sản khác của mình ra khỏi công trường sau khi công trình đã được nghiệm thu, bàn giao, trừ trường hợp trong hợp đồng xây dựng có thỏa thuận khác.
- Tổ chức lập và lưu trữ hồ sơ quản lý thi công xây dựng công trình đối với phần việc do mình thực hiện./.
Đừng quên theo dõi Cẩm nang nhà đất trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!