Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần là gì để trở thành coach chuyên nghiệp?

16:46 10/07/2024

Để trở thành coach chuyên nghiệp trong một lĩnh vực nào đó thì nhà lãnh đạo, quản lý cần chú trọng nâng cấp bản thân, tư duy và xây dựng ra quy trình coaching tốt.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, Coaching được xem là một công cụ huấn luyện và đào tạo nhân sự hiệu quả mà những nhà lãnh đạo cần trang bị. Vậy để trở thành một chuyên gia Coach chuyên nghiệp, nhà lãnh đạo cần rèn luyện những kỹ năng gì? Hãy cùng tôi tìm hiểu qua bài viết sau nhé!

Vai trò của Coaching

Từ lâu, thuật ngữ “Coach” (hay Coaching) được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, hoạt động nghệ thuật,… Hiện nay, do xu hướng muốn học tập và trau dồi kiến thức, kỹ năng ngày càng tăng mà Coaching được ứng dụng rộng rãi ở mọi phương diện, trong đó có cả huấn luyện, phát triển đội ngũ nhân sự. Những lợi ích vượt trội mà Coaching mang lại:

Đối với cá nhân:

Quá trình huấn luyện là sự tiếp xúc và học hỏi giữa người huấn luyện và học viên, là cơ hội gắn kết mọi người và phát triển mạnh các kỹ năng về làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, đưa ra quyết định hay quản lý thời gian,…

Bên cạnh đó, cùng với những thông tin được Coaching, những học viên có cơ hội được thực hành, phát huy sở trường, tham gia các hoạt động tự học hay kiểm tra, từ đó cải thiện tính chủ động cũng như hiệu suất làm việc của bản thân.

Đối với tổ chức:

Khi mọi người cùng học tập dưới một sự chỉ dẫn, họ sẽ được truyền đạt cùng một giá trị, điều này giúp ích trong việc xây dựng một văn hóa học tập nói riêng cũng như tiếp thu những giá trị khác để cấu thành nên giá trị văn hóa doanh nghiệp nói chung.

Hơn nữa Coaching còn là quá trình tạo gắn kết giữa lãnh đạo và nhân viên rút ngắn khoảng cách giữa hai cấp bộ phận trong một tổ chức hoặc giữa các tổ chức với nhau. Từ đó, tăng hiệu suất làm việc và xây dựng đội ngũ nhân tài.

Coaching giúp rút ngắn khoảng cách giữa các cấp bộ phận trong một tổ chức hoặc giữa các tổ chức với nhau (Nguồn: Sưu tầm)

Các hình thức Coach
Ngày nay dựa theo nhu cầu cải thiện năng lực của cá nhân hay đội ngũ trong doanh nghiệp mà coach được phân chia thành hai hình thức, đó là coach nội bộ và coach thuê ngoài.

– Coach nội bộ: là những người dày dặn kinh nghiệm và có hiểu biết sâu về quản trị doanh nghiệp hoặc một khía cạnh nào đó. Đó có thể là quản lý, lãnh đạo hoặc các chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về coaching. Mục tiêu của họ là nâng cao kỹ năng, năng lực của nhân viên, để từ đó nâng cao hiệu suất làm việc chung của tổ chức.

– Coaching thuê ngoài: Khi nhu cầu cải thiện trình độ, hiệu suất công việc của nhân viên ngày càng được chú trọng, coach thuê ngoài là lựa chọn được nhiều doanh nghiệp quan tâm, nhất là những doanh nghiệp SMEs. Coach thuê ngoài thông thường cũng là những nhà lãnh đạo, chuyên gia của một tổ chức nào đó có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Bằng việc tìm hiểu và nghiên cứu kỹ mô hình, cấu trúc hay những điểm hạn chế của doanh nghiệp khách hàng mà coach sẽ xây dựng nên một giáo án coaching riêng biệt sao cho phù hợp và hiệu quả để cải thiện chất lượng đội ngũ nhân sự.

Những điều này cũng đúng với coaching cá nhân 1:1. Như vậy, có thể thấy, dù là hình thức nào, thì coach cũng là người có trách nhiệm hướng dẫn và đào tạo người học theo một xu hướng tích cực hơn, có lợi cho chính bản thân họ hay tổ chức mà họ phục vụ. Trách nhiệm đó cần có một sự đầu tư bài bản chuyên sâu và trên hết đó là những khía cạnh, kỹ năng, kinh nghiệm và một quy trình coach hiệu quả mà các nhà lãnh đạo cần thuần thục.

Xây dựng quy trình coaching cho đội ngũ doanh nghiệp 
Khi hiểu rõ được mục tiêu của hai hình thức coaching, những nhà lãnh đạo muốn trở thành coach sẽ cần xây dựng một quy trình coaching đúng trình tự. Dưới đây là quy trình coaching nhân sự cơ bản mà các nhà lãnh đạo có thể tham khảo áp dụng:

1. Xác định mục tiêu và đối tượng giảng dạy
Bản chất của coaching là quá trình trò chuyện chia sẻ kinh nghiệm giữa huấn luyện viên và nhân viên nhằm khai thác tiềm năng phát triển của từng cá nhân. Do đó thông qua các buổi coaching, nhà lãnh đạo cũng như học viên cần làm rõ với nhau về kết quả của buổi học. Những mục tiêu trò chuyện có thể hướng đến là:

– Phát triển bản thân: Tập trung vào khai thác điểm mạnh của nhân viên.

– Nghề nghiệp: hỗ trợ nhân viên trang bị thêm kỹ năng để đón nhận một vai trò mới trong công việc.

– Hiệu suất: giúp người học vượt qua khó khăn trì trệ công việc ở giai đoạn hiện tại, từ đó thúc đẩy hiệu suất làm việc tốt hơn.

Để xác định được từng mục tiêu cụ thể này, nhà lãnh đạo có thể đặt những câu hỏi mở để khuyến khích người nghe chia sẻ mong muốn thực sự của bản thân, ví dụ như: 

– Các bạn muốn đạt được điều gì sau buổi coaching hôm nay?

– Bạn nhận thấy bản thân mình có những điểm mạnh gì? Và bạn có thể tận dụng nó để hỗ trợ công việc như thế nào?

– Những khó khăn hay thách thức nào mà bạn mong muốn vượt qua?…

Việc đặt câu hỏi không những giúp khai thác mong muốn của người học mà còn tạo gắn kết giữa người hướng dẫn và học viên, tạo sự thấu hiểu, giúp quá trình coaching diễn ra thuận lợi và suôn sẻ.

Một điểm hay mà nhà lãnh đạo có thể áp dụng là xác định mục tiêu của buổi coaching thông qua áp dụng các tiêu chí tương tự như mô hình SMART. Đó là một mục tiêu cụ thể, có thể đo lường, có thể thực hiện được, tính thiết thực và có thời hạn. Mục tiêu càng được cụ thể thì tính hiện thực hóa sẽ càng cao.

2. Quan sát quá trình học và phản hồi

Như đã đề cập từ trước, điều quan trọng trong coaching là người coach cần giúp người học xác định được thế mạnh và điểm yếu của mình. Nếu trường hợp học viên không xác định được ưu điểm của mình là gì thì huấn luyện viên sẽ là người hỗ trợ và đưa ra gợi ý để mọi người dần bộc lộ khả năng. 

Bằng việc quan sát biểu hiện hay cách mọi người tương tác, coach sẽ có thể đưa ra nhận xét trực tiếp đồng thời dẫn dắt người học khám phá ra điểm mạnh và hạn chế. Đây là những gợi ý giá trị mà người nghe có thể tham khảo để ngày càng cải thiện bản thân theo hướng tốt hơn.

Để có thể quan sát rõ những khía cạnh này, nhà lãnh đạo cần thực hiện những hoạt động:

– Quan sát hành vi của các thành viên qua từng buổi coach.

– Phân tích và đưa ra phản hồi trực tiếp về ứng xử và khả năng của mọi người.

– Ghi chép lại tiến triển của cá nhân hay nhóm qua từng buổi.

Những người coach chuyên nghiệp không bao giờ quên việc theo dõi mức độ tiến bộ của từng học viên và dành lời phản hồi (Nguồn: Sưu tầm)

Ví dụ, lãnh đạo có thể quan sát cách nhân viên trình bày quan điểm trong buổi học và đưa ra nhận xét như sau: “Cách em trình bày rất tốt, có đưa ra những dẫn chứng số liệu, tình huống cụ thể để mô tả cho ý được nói, vì thế mà người nghe dễ nắm bắt được thông tin. Đây là một thế mạnh mà em cần tiếp tục phát huy nhé”. 

3. Lên kế hoạch thực hiện
Khi xác định được tầm quan trọng của việc quan sát cũng như phản hồi đánh giá để giúp học viên cải thiện năng lực hơn, thì bước tiếp theo này, nhà lãnh đạo cần xây dựng kế hoạch để thực hiện quá trình coaching đi đúng với mục tiêu đã đề ra từ bước 1.

Dựa trên những thông tin đã thu thập được từ 2 bước trước, nhà lãnh đạo có thể trình bày và cùng học viên thống nhất xây dựng nên một kế hoạch học tập rõ ràng về hình thức học, các mốc thời gian hoàn thành mục tiêu ngắn hạn, mục tiêu dài hạn.

Nhằm giúp người dạy và người học có những hành động khả thi, người lãnh đạo sẽ cần tự mình thiết lập ra những công việc hoặc đặt những câu hỏi dành cho học viên như sau:

– Xây dựng ít nhất 1 hoạt động (hoặc bài tập) sau mỗi buổi hướng dẫn. 

– Khuyến khích học viên chia sẻ về phương pháp thực hiện bài tập được giao (các bạn thực hiện chúng như thế nào? Hãy chia sẻ với mọi người vào buổi công bố kết quả).

– Đặt ra timeline cho từng hoạt động (Hoặc đặt câu hỏi: “Mọi người cần bao lâu để hoàn thành những công việc này? Hãy đề xuất và tôi sẽ cân nhắc để ấn định thời hạn nếu hợp lý).

– Ngoài ra, nhà lãnh đạo có thể tư vấn, gợi ý hoặc thông báo về việc sẵn sàng giúp đỡ nếu đội ngũ gặp khó khăn, nhưng hãy đảm bảo chỉ trong chừng mực.

Xác định những hoạt động này giúp cho người coach có thể đánh giá được sự phát triển của học viên qua từng buổi. Đồng thời, bạn cũng tạo điều kiện để học viên tự sắp xếp và lên kế hoạch thực hiện các hoạt động của họ, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu chung của cả hai bên.

4. Đánh giá kết quả coaching
Bước cuối cùng trong quy trình này là đánh giá hiệu quả sau khi huấn luyện. Thực chất hoạt động đánh giá được lồng ghép sau mỗi giai đoạn của quá trình coaching. Ở giai đoạn cuối, nhà lãnh đạo sẽ có một đợt đánh giá tổng kết để kiểm tra lại tính toàn diện của cả quá trình, về những gì mà học viên đạt được sau khi tham gia khóa huấn luyện này.

Trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả, nhà lãnh đạo sẽ cùng người học tổng kết lại những điểm đã làm được và chưa làm được. Từ đó, mỗi người sẽ tự rút kinh nghiệm và tự điều chỉnh về cách học, cách dạy để có thể tham gia vào các khóa đào tạo coaching về sau đạt hiệu quả cao hơn.

Muốn biết quá trình coaching thành công chính xác ra sao, nhà lãnh đạo sẽ cần đánh giá thông qua các yếu tố:

– Mức độ hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.

– Khả năng tiến bộ của học viên sau khi coaching.

– Mức độ hài lòng của nhân viên về người huấn luyện, phương pháp giảng dạy…

Đánh giá hoạt động coaching nên diễn ra thường xuyên, sau mỗi giai đoạn học và tại buổi tổng kết (Nguồn: Sưu tầm)

Gợi ý 4 cách để trở thành một chuyên gia Coach chuyên nghiệp

Một người coaching giỏi thường được quyết định bởi 50% kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và 50% về khả năng sư phạm. Bởi nếu không đủ hai thành tố này thì việc coaching của bạn chắc chắn không mang lại kết quả tối ưu. Dưới đây là 4 yêu cầu để nhà lãnh đạo cần có nếu muốn trở thành một chuyên gia coaching giỏi trong ngành. 

1. Xác định mục tiêu của nghề coach

Những nhà lãnh đạo mong muốn trở thành coach có tiềm năng thì việc đầu tiên cần xác định là mục tiêu huấn luyện của mình là gì. Điều này giúp lãnh đạo tìm ra định hướng chính xác cho bản thân mà luôn kiên trì theo đuổi nghề. 

Để có thể biết được mục tiêu coaching của mình, những nhà lãnh đạo thường phải trả lời những câu hỏi:

– Bạn muốn đạt được thành tựu gì khi trở thành coach?

– Bạn coach cho đối tượng học viên nào?

– Bạn sẽ hướng dẫn những kỹ năng nào khi coaching?

Khi liệt kê được những đáp án cho những câu hỏi này, nhà lãnh đạo sẽ có thể bắt đầu đầu tư nghiêm túc để trau dồi và nâng cao những kỹ năng của mình để làm coaching đúng mục đích. Đây là giai đoạn tiền đề để một người theo đuổi việc trở thành coach.

2. Chứng nhận bằng cấp và học hỏi nhiều kinh nghiệm thực tiễn

Sau khi đã xác định mục tiêu coaching, bạn cần chứng minh được mình có khả năng theo đuổi và trở thành coach chuyên nghiệp. Điều trước hết là bạn cần phải luôn trau dồi và không ngừng tích lũy nhiều kinh nghiệm trong nghề trước. Thứ hai, khi bạn muốn huấn luyện được người khác thì bạn phải chứng minh được độ uy tín của bản thân thông qua một yếu tố quan trọng nữa đó là bằng cấp, chứng nhận hành nghề.

Bằng cấp được xem như điều kiện cần và kinh nghiệm thực tế chính là điều kiện đủ để nhà lãnh đạo có thể huấn luyện được mọi người một cách hiệu quả.

Để đạt được hai khía cạnh này, nhà lãnh đạo sẽ cần tham gia các khóa học hay chương trình đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ sư phạm hay coaching. Qua đó, nhà lãnh đạo sẽ được trang bị đầy đủ kinh nghiệm đứng lớp cần thiết, hay nói cách khác là khả năng nói, nghe, hiểu trước đám đông. 

Đồng thời, kinh nghiệm kỹ năng là những điều mà nhà lãnh đạo cũng nên luôn thực hành. Hãy tìm kiếm những cơ hội thực hành kỹ năng coaching trong cả hai vai trò: người coach và người được coach để có thể phát hiện, thấu hiểu mong muốn và khó khăn của đối phương. 

Ngoài ra, bạn có thể nâng cao kinh nghiệm thông qua đọc sách, báo hoặc tham gia các khóa học, hội thảo (nếu có) về lĩnh vực coaching. Những kinh nghiệm thực tế sẽ cho phép người huấn luyện học hỏi được cách ứng xử linh hoạt ở các tình huống, từ đó tự giác tạo ra các phương pháp huấn luyện phù hợp, mang lại kết quả tốt nhất.

3. Rèn luyện các kỹ năng mềm khác

Để truyền đạt, tạo cuộc giao tiếp hiệu quả và lôi cuốn hơn, chắc hẳn chúng ta đã từng nghe qua việc rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mềm quan trọng. Tập hợp những kỹ năng cần thiết để nhà lãnh đạo có thể phát huy khả năng coaching của mình một cách tối đa có thể kể đến như kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, truyền cảm hứng.

* Kỹ năng giao tiếp: Trau dồi nhiều hơn ở môi trường nội bộ bằng cách:

– Thực hành đặt câu hỏi và tạo tình huống phản biện cho nhân viên.

– Đánh giá và phản hồi từ những ý kiến của nhân viên.

– Trình bày rõ ràng quan điểm cá nhân trong các cuộc họp đề xuất ý tưởng, những buổi đào tạo nhân viên.

* Kỹ năng lắng nghe: Lãnh đạo thấu hiểu là người nắm bắt được nhu cầu và mong muốn của nhân viên, từ đó đưa ra những lời khuyên tinh tế và ứng xử khôn khéo. Lắng nghe chủ động là: 

– Chú tâm vào ý người nói, không nghe qua loa hay bỏ mặc ngoài tai.

– Lắng nghe kết hợp với quan sát để hiểu ngụ ý của người nói từ những cử chỉ, hành động, cảm xúc của họ.

* Lãnh đạo truyền cảm hứng

Việc truyền động lực và nguồn cảm hứng cho người học là một kỹ năng cực kỳ quan trọng mà một huấn luyện viên cần có, và nó cũng có ý nghĩa đối với những nhà lãnh đạo trong việc dẫn dắt đội nhóm. Để làm được điều này, bạn có thể sẽ phải khám phá những giải pháp như:

– Luôn đặt câu hỏi và gợi ý nhân viên những câu hỏi thuộc về tư duy biện luận.

– Luôn tạo kết nối với nhân viên thông qua hỏi thăm, trò chuyện trong quá trình làm việc hay khi coaching để hỗ trợ kịp thời khi họ có khó khăn.

– Kể chuyện hay chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn mà nhà lãnh đạo từng trải và cách vượt qua để truyền cảm hứng cho đội ngũ.

Lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên và chỉ nên hỗ trợ khi thật cần thiết (Nguồn: Sưu tầm)

* Trí tuệ cảm xúc

Cuối cùng, trí tuệ cảm xúc (EQ) là một yếu tố rất thường bị bỏ qua nhưng lại có tính chất bổ trợ cho nhiều kỹ năng khác. Trí tuệ cảm xúc đặc biệt mang lại cho nhà lãnh đạo một phong thái điềm tĩnh và kiểm soát cảm xúc hiệu quả trong mọi tình huống, nhất là trong giao tiếp huấn luyện. Hãy thực hành thường xuyên những phương pháp phát triển khả năng này:

– Rèn luyện khả năng tự nhận thức.

– Thực hành quản lý cảm xúc, đánh giá mọi tình huống trên góc nhìn khách quan.

– Tự tạo động lực cho mình.

– Thấu hiểu và kiên nhẫn cùng nhân viên.

– Thực hành các kỹ năng xã hội.

4. Xây dựng mạng lưới quan hệ

Bên cạnh phát triển các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm thì nhà lãnh đạo muốn có một vị trí nhất định trong nghề coach đòi hỏi phải có mạng lưới quan hệ tốt, nói cách khác là có “số má”. 

Hãy chú trọng mở rộng mối quan hệ với nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực coaching bằng cách tham gia vào các cộng đồng chia sẻ chung, nhóm trò chuyện, hội thảo để trao đổi thêm về kỹ năng coaching…

Đây là cơ hội để bạn thể hiện hay xây dựng thương hiệu cá nhân, là quá trình chia sẻ, trao đổi và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm quý báu từ những người giỏi hơn mình. Từ đó, các nhà lãnh đạo có thể tích lũy những bí kíp riêng và cải thiện năng lực coaching của mình qua thời gian. 

>> Tham khảo dịch vụ Elitecoaching đang được cung cấp tại HomeNext Academy nhé!

Kết luận

Tóm lại, để trở thành coach chuyên nghiệp trong một lĩnh vực nào đó thì nhà lãnh đạo, quản lý cần phải chú trọng nâng cấp bản thân, phải tư duy và xây dựng ra quy trình coaching hoạt động tốt. Bên cạnh đó, cũng yêu cầu rất nhiều về rèn luyện thêm các kỹ năng mềm khác. Hy vọng rằng, những kiến thức mà tôi đã cung cấp trong bài viết sẽ hỗ trợ các nhà lãnh đạo tự tin trở thành coach thành công, góp phần đào tạo ra các thế hệ nhân sự giỏi, sáng tạo, năng suất trong công việc.

Nguồn: Trường Doanh nhân HBR