Trần Đô Thành Thứ Sáu, 28/10/2022, 17:39 (GMT+7)
Người theo dõi

Nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ: Nghe tin giả, chịu lỗ thật

Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ hoang mang với tin đồn bắt bớ các chủ dự án và hoạt động yếu kém của doanh nghiệp, đã chấp nhận bán sản phẩm để cắt lỗ. “Tảng băng” đầu cơ lộ diện, cho thấy trị trường còn thiếu yếu tố bền vững.

Nghe tin giả, chịu lỗ thật

Chị Hà, một nhà đầu tư bất động sản thứ cấp tại quận 1 (TP.HCM), thừa nhận sau một loạt sự việc đổ vỡ từ thanh khoản trái phiếu của một số doanh nghiệp liên quan tới bất động sản, công với tin đồn sẽ bắt bớ thêm nên cách đây 10 ngày, chị đã chấp nhận bán lỗ hai khu biệt thự có diện tích 400m2 tại Nhơn Trạch (Đồng Nai).

“Mỗi căn tôi lỗ tới 2 tỷ đồng so với lúc mua từ dịp tháng 12/2021. Vậy nhưng mới bán được một căn. Căn còn lại rất chật vật tìm khách mua. Thị trường bất động sản chưa từng có những diễn biến “lạ” như hiện nay. Giá các chủ đầu tư công bố thì rất cao, nguồn cung biệt thự, nhà phố hiếm hoi, trong khi sản phẩm có thật như của tôi, chấp nhận cắt lỗ thì vẫn khó tìm được khách mua”, chị Hà nói.

Anh Minh (quận 7, TP. HCM) đầu tư mua đất liền kề tại dự án Đồng Nai của một chủ đầu tư lớn. Anh Minh đã đóng được 60% số tiền theo tiến độ dự án với hơn 5 tỷ đồng. Thế nhưng, thời gian gần đây, liên tục những thông tin về việc bắt lãnh đạo của doanh nghiệp này khiến anh đứng ngồi không yên.

“Chưa bao giờ tôi lo lắng cho lãnh đạo một tập đoàn địa ốc hơn cả người thân của mình đến vậy. Cả vốn liếng, tiền vay tôi đều dồn vào mua ở dự án này. Tôi rất sợ nếu như lãnh đạo tập đoàn này bị bắt giống như ở FLC, vì như thế toàn bộ dự án sẽ dừng thi công và không biết đến bao giờ mới nhận được nhà nên tôi đang rao cắt lỗ 1 tỷ đồng cũng may vừa có người đặt cọc”.

Chị Kim Thư, một môi giới tại sàn giao dịch bất động sản MayLand thừa nhận: "Những lời đồn không đúng sự thật về bắt bớ các lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc lớn trong thời gian vừa qua đang khiến niềm tin của khách hàng với thị trường bất động sản suy giảm. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi trên mạng xã hội lan truyền văn bản kêu cứu của doanh nghiệp đầu tư dự án lớn gửi tới Bộ Xây dựng. Để tránh tâm lý hoang mang với hàng nghìn khách hàng, tập đoàn này phải lên tiếng bác bỏ tin đồn".

Giám đốc sàn môi giới bất động sản Hoàng Kim (quận 8) cho hay, gần đây, cộng đồng mạng lan truyền hình ảnh xe cảnh sát đứng trước cổng một doanh nghiệp địa ốc lớn tại Hà Nội, đồn vị lãnh đạo tập đoàn địa ốc bị bắt đã được lan truyền rất nhanh. “Nhiều khách hàng hoang mang ai sẽ bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư nên gửi sàn bán tháo sản phẩm, chấp nhận cắt lỗ?”.

“Chưa bao giờ, nhà đầu tư lại mất niềm tin với thị trường bất động sản như hiện nay. Chưa biết đúng sai thật giả thế nào, nhưng những ai lo lắng mà bán sản phẩm là lỗ thật sự”, vị giám đốc này cho hay.

Lộ diện “tảng băng” đầu cơ

“Bản chất nhà đầu tư nhỏ lẻ Việt Nam là đầu tư bất động sản theo tâm lý đám đông. Trước đây, chỉ cần nghe nói sốt đất là rần rần rủ nhau đi mua. Giờ chỉ một tin đồn không hay đã hoang mang bán cắt lỗ khiến cả thị trường bị ảnh hưởng. Đây là dịp để thấy rõ thị trường bất động sản chưa đi đúng thực chất cung-cầu. Một thị trường còn dành sản phẩm cho người giàu có tiền để tích trữ, đầu cơ, cho người thích lướt sóng thực sự không bền vững”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Ông Hiếu phân tích thêm, bên cạnh nhà giàu mua để đầu cơ thì nhiều dấu hiệu cho thấy, nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ đã dùng đòn bẩy tài chính quá lớn giờ đang muốn “tháo chạy” khỏi thị trường. “Lãi suất tăng là tín hiệu nguy hiểm cho những ai dùng đòn bẩy. Món nợ ngân hàng nếu chậm trả sẽ tăng lên rất nhanh theo cấp số cộng. Nếu nhà đầu tư đó có tài sản trị giá 50 tỷ đồng, được tạo lập chỉ bằng 25% vốn tự có, thì giờ này dẫu được trả giá chỉ 5 tỷ đồng họ cũng phải bán. Bán để cắt lỗ, giảm thiểu rủi ro mất trắng vì không thể chờ đợi được nữa, thời gian để chờ đợi lợi nhuận sẽ không theo kịp với tốc độ tăng của lãi suất. Điều này cũng cho thấy chúng ta có một thị trường còn méo mó”, ông Hiếu nói.

Báo cáo về thị trường bất động sản mới đây, Bộ Xây dựng cho rằng thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá trung bình, giá rẻ. Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau để “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá” và gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường.

Ông Lê Hoàng, thành viên của Hiệp hội môi giới Bất động sản TP. HCM, cho biết chưa bao giờ thị trường bất động sản lại có những dấu hiệu bất ổn như hiện nay: giá bất động sản hiện quá cao, giá tăng liên tục trong 5 năm gần đây. Theo đó, giá nhà bình dân đã cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Nếu so sánh với các nước công nghiệp phát triển thì giá nhà tại cao gấp 6-7 lần mức thu nhập của người dân nước họ.

Do vậy, người có thu nhập khá và trung bình ở đô thị, người nhập cư khó có cơ hội sở hữu nhà ở. Từ năm 2019 đến nay, thị trường xuất hiện cả những dự án căn hộ siêu sang với giá rao bán lên đến trên dưới 500 triệu đồng/m2, thậm chí 1 tỷ đồng/m2. Vậy thì không có gì lạ khi phần chìm của “tảng băng” đầu cơ đã nổi. “Bán tháo là điều đương nhiên, nhưng với giá cao không thực tế thì vấn đề là ai mua, và như vậy, ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của toàn thị trường ”, ông Hoàng cho hay.

Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Trí Hiếu, mới đây người phát ngôn của Bộ Công an đã thông tin, Bộ sẽ xác minh, điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác, gây hoang mang dư luận, tác động tiêu cực đến an ninh kinh tế, tài chính, tiền tệ, an ninh đầu tư. Điều này rất kịp thời bởi nền kinh tế đất nước sẽ bị ảnh hưởng, rất thiệt hại khi cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong môi trường bất an, các nhà đầu tư, đối tác, người dân thiếu lòng tin.

“Một đồn mười, mười đồn trăm, tin xấu lây lan như dịch bệnh, tấn công trực tiếp vào tâm lý người mua bất động sản. Chủ đầu tư lao đao vì bao nhiêu vốn liếng bỏ ra để đầu tư các dự án bỗng dưng bị đóng băng thanh khoản, người lao động mất việc, nhà nước thất thu thuế, người bán vật liệu thì không tìm nổi nơi cung cấp. Đừng nghĩ rằng, tập đoàn, doanh nghiệp bị thiệt hại là chuyện riêng của họ, mà phải nhận thức rằng, khi kinh tế, tài chính, tiền tệ mất an ninh, sự an toàn đầu tư bị đe dọa, thì bất cứ ai cũng là nạn nhân. Bởi vậy, nhà đầu tư nhỏ lẻ nên tỉnh táo để không chịu thiệt thòi không đáng có. Mặt khác, đây cũng là dịp để các chủ đầu tư cơ cấu lại sản phẩm. Kinh doanh sẽ bền vững khi sản phẩm phù hợp với người cần nhà thực sự”, ông Hiếu chia sẻ. 

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên