Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (11/4), cổ phiếu VAB tạm ‘chốt’ ở mức 9.600 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 9/2022.
Trong phiên giao dịch liền trước, cổ phiếu VAB tăng kịch bên độ 14,3% (sàn UPCOM) với thanh khoản đột biến, lên tới 3,9 triệu đơn vị.

VietABank đang có kế hoạch chuyển sàn chứng khoán. Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (AGM 2024), ban lãnh đạo VietABank đề xuất được giao quyết định lựa chọn niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 5.399 tỷ đồng lên mức 7.505 tỷ đồng thông qua việc phát hành tối đa hơn 210 triệu cổ phiếu.
Trên cơ sở nguồn vốn có thể tăng thêm, nhà băng này đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt mức 846 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2023; quy mô tổng tài sản thời điểm cuối năm ước đạt 116.998 tỷ đồng, tăng 4,3% so với thời điểm đầu năm.
CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương (Việt Phương Group – viết tắt: VPG) – tổ chức gắn liền với tên tuổi của ông Phương Hữu Việt – hiện là cổ đông lớn duy nhất ‘ra mặt’ tại VietABank, với tỷ lệ sở hữu 12,2% vốn điều lệ.
‘Tiếng nói’ của nhóm cổ đông liên quan đến vị đại gia quê Bắc Ninh tại VietABank được tin rằng còn vượt xa số cổ phần nêu trên. Nổi bật là việc ông Phương Thành Long – cháu của ông Việt – đang giữ ghế Chủ tịch HĐQT của nhà băng này.
Sau hơn 1 thập kỷ gắn bó với Việt Phương Group, VietABank tới nay vẫn là nhà băng nhỏ trong hệ thống, có tăng vốn điều lệ nhưng chậm. Dù chưa phải là nhà băng tầm cỡ, song, cũng chẳng thể phủ nhận, VietABank đã trở thành bệ đỡ, nâng tầm cho cả “hệ sinh thái” của vị doanh nhân Phương Hữu Việt./.
* Ai 'bơm' vốn cho Shark Tank Việt Nam?