Việc nhu cầu và lượng quan tâm tới các dự án chung cư ở Thủ đô giảm sút đã đi ngược lại với những gì xảy ra trong các tháng trước đó, khi người dân đổ xô tìm kiếm chung cư và giá rao bán không ngừng tăng phi mã.
Thực tế, nhiều môi giới cho biết lượng người hỏi mua chung cư đã sụt giảm trong 2 tháng qua.
Riêng tại quận Cầu Giấy, anh Minh Tuấn, chuyên môi giới căn hộ, cho biết lượng người đặt hàng, tìm hiểu căn hộ đã qua sử dụng sụt giảm khoảng 20-30% so với các tháng giữa năm, thậm chí giảm 40-50% so với giai đoạn chung cư "sốt nóng" đỉnh điểm hồi tháng 8-9.
Hay tại quận Đống Đa, chị Lê Hà rao bán căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích gần 80 m2 suốt 2 tháng nay nhưng lượng người liên hệ hỏi mua không nhiều. Chị Hà đang tính đến phương án hạ giá rao để dễ thanh khoản.
Cùng với mức độ quan tâm giảm, giá căn hộ cũng chững đà tăng suốt 2 tháng qua ở phần lớn dự án chung cư Hà Nội.
Khảo sát dự án căn hộ từ bình dân đến cao cấp đều cho thấy giá rao bán đi ngang kể từ đầu tháng 11 đến nay. Thậm chí tại một số căn hộ, chủ nhà đã chủ động liên hệ với người mua và đề xuất giảm giá bán.
Thận trọng với diễn biến thị trường giai đoạn này, sức mua chung cư cũng bắt đầu chậm lại, thậm chí giảm sút. Loại căn hộ 3 phòng ngủ tại một chung cư khu vực Xuân La, Tây Hồ, từng là "hàng hot", "hễ rao là hết", nay có 2 căn chưa tìm được khách mua dù chào bán liên tục trên các nền tảng gần 2 tháng nay.
"Việc giá bán tăng cao và đạt mức kỷ lục hiện tại khiến nhiều người mua bỏ cuộc. Đó là lý do chính khiến giao dịch chậm lại", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nói.
Đặc biệt, theo ông Đính, khi giá chung cư tăng quá nhanh và có dấu hiệu tăng "ảo", nhà đầu tư - nhóm phát sinh giao dịch nhiều nhất - sẽ không rót thêm tiền. Thay vào đó, họ có xu hướng quan sát và nghiên cứu những biến động tiếp theo hoặc chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác.
"Thời gian qua, khi 'cơn sốt' chung cư lên đến đỉnh điểm, giao dịch chủ yếu đến từ nhóm đầu tư, đầu cơ. Còn những người có nhu cầu ở thực gần như không thể mua, nếu có cũng chỉ là các giao dịch miễn cưỡng của một nhóm rất nhỏ. Đến nay nhà đầu tư rút lui, thị trường buộc giảm nhiệt", ông Đính nêu quan điểm.
Theo một chuyên gia khác, thời gian trước, khi cơn sốt mới bắt đầu hoặc ở giai đoạn cao trào, nhiều người với tâm lý FOMO (Fear of missing out: Sợ bỏ lỡ) chấp nhận mua với mọi giá; nhưng hiện tại, khi giá đã lên ngưỡng quá cao, khách hàng sẽ trở nên thận trọng, cân nhắc kỹ bài toán tài chính.
"Thêm vào đó, cuối năm thường là giai đoạn nhạy cảm, có thể sẽ là thời điểm chuyển giao sức 'nóng' của các loại hình bất động sản nên người mua có xu hướng quan sát nhiều hơn", vị chuyên gia nói thêm./.
Nguồn tham khảo: Znews