Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Ngân hàng, bất động sản, hai trụ cột mong manh?

21:08 04/05/2025

Một trong những chỉ báo quan trọng phản ánh cấu trúc và sức khỏe của nền kinh tế là danh sách các doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận. Bức tranh tài chính quý I/2025 tại Việt Nam đang đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao trong số 20 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế cao nhất, lại chủ yếu là ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản?

Một trong những chỉ báo quan trọng phản ánh cấu trúc và sức khỏe của nền kinh tế là danh sách các doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận. Bức tranh tài chính quý I/2025 tại Việt Nam đang đặt ra một câu hỏi lớn: Tại sao trong số 20 doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế cao nhất, lại chủ yếu là ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản?

Sự áp đảo của hai ngành này không chỉ gợi mở về sự phát triển mạnh mẽ, mà còn cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn từ sự mất cân đối trong cấu trúc kinh tế.

Việc các ngân hàng chiếm phần lớn bảng xếp hạng là điều dễ hiểu trong ngắn hạn, bởi đây là ngành có khả năng tạo ra lợi nhuận cao nhờ vai trò huy động và phân phối vốn. Nhưng khi hiện tượng này lặp đi lặp lại qua nhiều quý, trong khi các ngành sản xuất, công nghệ, chế biến chế tạo – vốn là động lực tạo ra giá trị thực và việc làm – vắng bóng trong top đầu, thì đó không còn là dấu hiệu của thành công, mà là tín hiệu của sự mất cân bằng nghiêm trọng.

Ở các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, cấu trúc lợi nhuận của doanh nghiệp lớn thể hiện sự đa dạng rõ rệt. Bên cạnh các ngân hàng, còn có Samsung, SK Hynix, Hyundai, LG – đại diện cho công nghệ, bán dẫn, ô tô, điện tử – những ngành đòi hỏi đầu tư lâu dài và đóng góp lớn vào năng suất quốc gia.

Thái Lan – một nền kinh tế trong khu vực – cũng cho thấy sự phân bố hợp lý giữa năng lượng, y tế, ngân hàng, tiêu dùng và công nghệ. Ngay cả Trung Quốc, dù có hệ thống ngân hàng đồ sộ, vẫn đặt công nghệ và sản xuất công nghiệp vào trung tâm, với các ông lớn như Alibaba, Tencent, CNPC.

Ngược lại, cấu trúc lợi nhuận ở Việt Nam đang cho thấy nền kinh tế dựa quá nhiều vào dòng chảy tiền tệ thay vì sản xuất giá trị thực. Bất động sản là lĩnh vực dễ sinh lợi nhuận nhưng gắn liền với rủi ro đầu cơ, và khi kết hợp với tín dụng ngân hàng, tạo nên mối liên kết dễ vỡ.

Nhiều ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn, khiến một cú sốc từ thị trường địa ốc có thể nhanh chóng lan sang hệ thống tài chính. Kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính 2008 ở Mỹ, hay khủng hoảng Evergrande ở Trung Quốc, là những ví dụ rõ nét về việc thị trường bất động sản khi quá nóng sẽ tạo bong bóng tài sản, kéo theo cả nền kinh tế nếu bong bóng vỡ.

Một nghiên cứu đáng chú ý của IMF (“Too Much Finance”) đã chứng minh rằng khi tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP vượt ngưỡng 100% (tỷ lệ này của Việt Nam hiện ở mức khoảng 135%), đóng góp của tài chính vào tăng trưởng kinh tế bắt đầu suy giảm, thậm chí chuyển sang tiêu cực. Điều này là do nguồn lực tài chính được sử dụng vào các hoạt động đầu cơ thay vì đầu tư sản xuất, đồng thời làm suy yếu năng lực phân bổ vốn hiệu quả của nền kinh tế.

Ở Việt Nam, đầu tư sản xuất và xuất khẩu, vốn là động lực tăng trưởng bền vững, đang bị "làm lu mờ" bởi các khoản vay tiêu dùng, đầu tư đất đai và những dự án sinh lời nhanh. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao – vốn cần được hỗ trợ để tạo nền tảng lâu dài – lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn và thị trường.

Một nền kinh tế bền vững cần có cấu trúc lợi nhuận phản ánh sự trưởng thành đồng đều giữa các ngành: tài chính phải đóng vai trò hỗ trợ, sản xuất tạo ra của cải vật chất, công nghệ thúc đẩy đổi mới, dịch vụ nâng cao chất lượng sống.

Khi lợi nhuận đổ dồn về tài chính và bất động sản, mà không có sự tham gia mạnh mẽ của sản xuất và công nghệ, nền kinh tế sẽ giống như một tòa nhà chọc trời được xây trên nền đất chưa đủ vững.

Bài toán đặt ra cho Việt Nam không phải là giảm vai trò của ngân hàng hay bất động sản – hai ngành vẫn cần thiết cho tăng trưởng. Nhưng chính sách vĩ mô phải hướng tới việc đa dạng hóa cấu trúc kinh tế, khơi thông dòng vốn vào các lĩnh vực tạo giá trị thực, hạn chế lệ thuộc vào tài sản và tín dụng, đồng thời phát triển thị trường vốn phi ngân hàng để giảm tải cho hệ thống tín dụng truyền thống.

Nếu không có sự chuyển hướng kịp thời, nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro “tăng trưởng thiếu thực chất” – nơi lợi nhuận tăng nhưng không đi kèm năng suất, việc làm bền vững hay năng lực cạnh tranh dài hạn. Sự phát triển thực sự chỉ có thể đạt được khi chúng ta đầu tư vào những lĩnh vực tạo nên giá trị thực – công nghệ, sản xuất, nhân lực – chứ không phải chỉ dựa vào những con số lãi vay hay doanh số bán đất./.