Nội dung này được nêu tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 11/2019/TT-NHNN (Thông tư 11) quy định về kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng của NHNN, dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.
NHNN cho biết, qua thời gian, một số nội dung quy định tại Thông tư 11 không còn phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng 2024, cần được thay thế bằng thông tư mới, trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại.
Theo dự thảo thông tư, NHNN sẽ ghi giảm toàn bộ vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế tương ứng tại Quyết định chuyển giao bắt buộc theo quy định tại Điều 183 Luật Các tổ chức tín dụng.
Việc này nhằm phù hợp với quy định tại Điều 183 Luật các tổ chức tín dụng 2024, trong đó quy định rõ thời điểm NHNN quyết định ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt là thời điểm NHNN có quyết định chuyển giao bắt buộc.
Trong khi đó, Thông tư 11 hiện hành quy định NHNN quyết định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
Nếu giá trị thực của vốn điều lệ, các quỹ dự trữ cộng với kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của ngân hàng được điểm soát đặc biệt là số âm, NHNN sẽ ghi giảm vốn điều lệ của ngân hàng này về mức '0 đồng' tại quyết định chuyển giao bắt buộc để giảm lỗ lũy kế. Mức vốn này sẽ thay thế mức vốn điều lệ tại giấy phép thành lập và hoạt động mà NHNN đã cấp cho ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
Năm 2015, NHNN đã mua lại bắt buộc 3 ngân hàng thương mại với giá '0 đồng' là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank).
Ngoài 3 nhà băng trên, hiện nay, hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam còn có 2 ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu là Ngân hàng Đông Á (DongABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Trong các ngân hàng '0 đồng', CBBank được tin rằng sẽ chuyển giao cho Vietcombank, OceanBank được chuyển giao cho MBBank, còn GPBank được tin rằng sẽ về 'chung nhà' với VPBank./.