Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Chứng khoán quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp như sau:
Đối với công ty có vốn điều lệ đã góp trên 100 tỷ đồng, thì phải có thời gian hoạt động tối thiểu 2 năm.
Đối với cá nhân, dự thảo bổ sung 2 phần. Thứ nhất, nhà đầu tư phải tham gia đầu tư trong thời gian tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất. Thứ hai, nhà đầu tư phải có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung thêm quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp gồm nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải là tổ chức theo quy định tại khoản 1, Điều 11 Luật Chứng khoán.
Mặc dù mục tiêu của các quy định này nhằm giảm thiểu rủi ro, nhưng không ít nhà đầu tư lo ngại về tính khả thi.
Với mức thu nhập trung bình của người Việt hiện tại chỉ khoảng 110 triệu đồng/năm, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Việc có thu nhập "khủng" 1 tỷ đồng/năm sẽ thu hẹp đáng kể số lượng nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, điều kiện giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý liên gần nhất được cho là tần suất giao dịch tương đối dày, đặc biệt là với các nhà đầu tư theo trường phái nắm giữ dài hạn.
Tiêu chuẩn “chuyên nghiệp” này buộc nhà đầu tư phải “trading” nhiều trong ngắn hạn, dẫn tới hiệu suất của nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi điều kiện về tần suất giao dịch.
Một lãnh đạo công ty chứng khoán lớn từng chia sẻ “90% giao dịch trên thị trường là lỗ”. Nhận định cho thấy mức độ rủi ro cao trên thị trường chứng khoán, đặc biệt với những nhà đầu tư có tần suất giao dịch cao.
Dự thảo trên tuy được đánh giá là cần thiết để giảm rủi ro, nhưng cũng có thể vô tình đóng lại cánh cửa cho nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường./.
Nguồn tham khảo: Nhịp sống thị trường