Gia Khánh 18 giờ trước
Người theo dõi

Chiến trường tiền số: Mỹ gom Bitcoin, Trung đẩy e-CNY

Năm 2025 chứng kiến giai đoạn đầu của cuộc đua toàn cầu nhằm kiểm soát tương lai tài chính số.

Mỹ - dưới thời Tổng thống Donald Trump - đang ôm lấy Bitcoin, Ethereum và stablecoin, coi crypto như tài sản chiến lược quốc gia. Bên kia chiến tuyến, Trung Quốc, với chiến lược hoàn toàn trái ngược: Tập trung vào kiểm soát tuyệt đối với đồng nhân dân tệ số (e-CNY).

Hai mô hình, hai hệ tư tưởng: Một bên là tự do, phi tập trung. Bên còn lại là kiểm soát chặt chẽ, lập trình bởi chính phủ. Câu hỏi đặt ra: Tương lai sẽ thuộc về tiền mã hóa hay CBDC do ngân hàng trung ương phát hành?

Chiến lược gom tiền số của Tổng thống Trump

Tháng 3/2025, Trump ký sắc lệnh thành lập kho dự trữ Bitcoin chiến lược. Kho này tập hợp khoảng 200.000 BTC bị tịch thu trong các vụ án, trị giá khoảng 18 tỷ USD (tính đến tháng 4/2025). Và chính phủ không bán số Bitcoin này, mà giữ dài hạn như một "vũ khí tài chính".

Bên cạnh đó, Trump cũng thiết lập kho dự trữ tài sản số Mỹ, gồm Ether, Solana, XRP, Cardano… từ các vụ cưỡng chế. Khác với kho Bitcoin, kho tài sản số này được phép linh hoạt mua bán tùy chiến lược quốc gia.

Chưa hết, Tổng thống Mỹ còn tổ chức hội nghị thượng đỉnh crypto đầu tiên tại Nhà Trắng, quy tụ loạt ông lớn sàn giao dịch và quỹ đầu tư blockchain, tái khẳng định cam kết biến Mỹ thành '"thủ phủ crypto". 

Đồng thời, Bộ Tư pháp Mỹ lên kế hoạch giải thể nhóm chuyên án tiền số - cho thấy Washington đang "nới lỏng" quy định để ngành crypto bùng nổ. 

Trung Quốc: Xây "trường thành" tài chính với e-CNY

Trái ngược với Mỹ, Trung Quốc theo đuổi chiến lược tiền kỹ thuật số tập trung hoàn toàn. Đồng e-CNY đã được triển khai sâu rộng, như: trả lương công chức, thanh toán siêu thị, đi tàu điện… tại hàng chục thành phố lớn.

Trung Quốc không chỉ muốn kiểm soát tài chính nội địa, mà còn nhắm tới giảm phụ thuộc vào USD. Qua dự án mBridge, Bắc Kinh đang thử nghiệm thanh toán xuyên biên giới bằng e-CNY cùng Thái Lan, UAE, Hồng Kông.

Và không giống như Bitcoin hay USDT của Tether, e-CNY được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ thanh toán offline qua NFC/Bluetooth, lập trình logic tài chính thông minh và kết nối trực tiếp với hệ sinh thái ví điện tử khổng lồ của Trung Quốc.

Trung Quốc đang cố gắng định hình lại trật tự tài chính toàn cầu. Bằng cách thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số trong thương mại xuyên biên giới. Đây là một phần của chiến lược phi đô la hóa rộng hơn, và nó đã được thử nghiệm trong các kịch bản thực tế.

Tại Hong Kong, e-CNY được sử dụng trong các giao dịch hàng ngày. Người dân địa phương thậm chí không cần tài khoản ngân hàng đại lục để nạp và chi tiêu e-CNY tại các cửa hàng và cửa hàng trực tuyến.

Thông qua ứng dụng di động chuyên dụng do Ngân hàng Trung Quốc (Hồng Kông) ra mắt, người dùng có thể mở ví e-CNY chỉ bằng số điện thoại và ID địa phương. Đó là bước tiến quan trọng hướng tới việc áp dụng rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là trên khắp Châu Á.

Thay vì dựa vào hệ thống SWIFT hoặc các đường thanh toán cũ do phương Tây kiểm soát, Trung Quốc đang xây dựng mạng lưới tài chính kỹ thuật số của riêng mình: nhanh chóng, có thể lập trình và được ngân hàng trung ương giám sát hoàn toàn.

Vào tháng 10/2023, PetroChina đã hoàn thành giao dịch dầu thô quốc tế đầu tiên được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, mua 1 triệu thùng dầu thô thông qua Sàn giao dịch dầu khí Thượng Hải.

So sánh CBDC với tiền điện tử

So sánh CBDC và Tiền số (Nguồn: DFF.Vn tổng hợp)

Cuộc đua định hình tương lai tiền tệ đang phơi bày hai mô hình đối nghịch: Tiền số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) và tiền mã hóa phi tập trung như Bitcoin, Ether. Một bên là công cụ quyền lực nhà nước, bên kia là biểu tượng của tự do tài chính.

Mô hình phân tầng triển khai đồng nhân dân tệ số (e-CNY) của Trung Quốc (Nguồn: DFF.Vn tổng hợp)

Tương lai ngành tiền số sẽ thế nào?

Khả năng cao, thế giới sẽ bước vào kỷ nguyên tài chính - nơi mà các CBDC vận hành hệ thống thanh toán chính thống (thuế, trợ cấp, tiêu dùng hàng ngày), trong khi crypto phát triển như một lựa chọn song song cho những ai muốn tự do tài chính hoặc phòng ngừa rủi ro tiền pháp định.

Khi 130 quốc gia đang phát triển hoặc thử nghiệm CBDC, và khi hàng trăm triệu ví Bitcoin vẫn tiếp tục được mở mới, cuộc chơi tiền tệ tương lai hứa hẹn sẽ cực kỳ hấp dẫn - và hỗn loạn.

Hơn 130 quốc gia,bao gồm hầu hết mọi nền kinh tế lớn,hiện đang phát triển hoặc thử nghiệm tiền kỹ thuật số của riêng họ. Trung Quốc đã đi sâu vào chế độ triển khai với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, và các quốc gia khác như Anh, EU, Ấn Độ và Brazil đang bám sát phía sau.

CBDC có ý nghĩa đối với các chính phủ: Chúng hiệu quả, có thể theo dõi, có thể lập trình và cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách một bộ công cụ hoàn toàn mới để quản lý nền kinh tế. 

Mặt khác, tiền mã hóa sẽ không biến mất. Nước Mỹ coi tiền mã hóa là một công cụ phi tập trung của tự do kinh tế.

Ví Bitcoin đang nằm trong tay hàng trăm triệu người. Mạng lưới Ethereum cung cấp năng lượng cho mảng DeFi. Ở những nơi như Argentina, Nigeria và Ukraine, tiền mã hóa có thể là một đường dây cứu sinh./. 


Chia sẻ
Báo cáo
Gia Khánh Người dùng
Crypto Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên