Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Mỹ gia tăng biện pháp hạn chế ngành công nghệ Trung Quốc

10:01 22/11/2024

Mới đây, Mỹ đã công bố khuôn khổ pháp lý nhằm hạn chế nguồn đầu tư của nước này vào các lĩnh vực công nghệ cao tại Trung Quốc, bao gồm ba lĩnh vực chính: chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) nhất định.

>Mỹ siết đầu tư công nghệ vào Trung Quốc

Quy định mới, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2025, cấm công dân Mỹ tham gia các giao dịch liên quan đến những công nghệ và sản phẩm có thể gây ra “mối đe dọa đặc biệt nghiêm trọng” đối với an ninh quốc gia.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, những công nghệ bị hạn chế đầu tư là nền tảng phát triển của các ứng dụng quân sự, giám sát, tình báo và an ninh mạng thế hệ tiếp theo.

Ngoài việc hạn chế đầu tư, Chính phủ Mỹ cũng nỗ lực thắt chặt việc kiểm soát xuất khẩu. Những vụ việc như GlobalFoundries bị phạt nửa triệu USD hay TSMC dính nghi án cung cấp chip cho Huawei là minh chứng rõ nét nhất cho những hành động gắt gao của Mỹ đối với Trung Quốc.

Công nghệ Trung Quốc vẫn phát triển mạnh dù chịu nhiều sức ép

Bất chấp các biện pháp thuế quan, kiểm soát xuất khẩu và trừng phạt tài chính của Mỹ, Trung Quốc vẫn đang đạt được những tiến bộ vững chắc trong các ngành công nghiệp của tương lai.

Trong số 13 công nghệ chính được các nhà nghiên cứu của Bloomberg theo dõi, Trung Quốc đã đạt được vị trí dẫn đầu toàn cầu ở 5 công nghệ và cũng đạt được nhiều bước tiến mạnh mẽ ở 7 công nghệ khác.

Trung Quốc đã dẫn đầu một cách rõ ràng về xe điện, phần mềm ô tô và công nghệ pin lithium. Ngành đóng tàu LNG và đường sắt cao tốc của Trung Quốc đang trên đà đạt được mục tiêu là vị trí số một thế giới. Nước này cũng sản xuất các tấm pin mặt trời hiệu quả nhất và có chi phí thấp nhất thế giới.

“Sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc sẽ không bị cản trở, và thậm chí có thể không bị chậm lại, bởi các hạn chế của Mỹ”, ông Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định.

Công nghệ bán dẫn là tâm điểm cạnh tranh

Một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng cho biết, các biện pháp hạn chế công nghệ của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thành công trong việc hạn chế những tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển chất bán dẫn chất lượng cao, cho phép Mỹ và các đồng minh duy trì những lợi thế đáng kể.

Mỹ đã cấm Trung Quốc mua các chip AI tiên tiến nhất từ Nvidia và AMD, đồng thời ngăn chặn khả năng tiếp cận các máy quang khắc siêu cực tím (EUV) của ASML, vốn rất cần thiết để sản xuất chip cao cấp. Washington hiện cũng đang tìm cách cản trở khả năng Bắc Kinh tiếp cận một công nghệ cũ hơn là máy quang khắc cực tím sâu (DUV).

Việc thiếu hụt các thiết bị sản xuất chip tiên tiến sẽ khiến các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei và đối tác SMIC, vốn đã chậm chân hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây, khó có thể đạt được đột phá trong lĩnh vực bán dẫn.

Những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI thậm chí còn kém rõ ràng hơn, trong khi đây được coi là một trong những yếu tố quyết định chính đến sức mạnh kinh tế và địa chính trị trong tương lai.

Trong khi OpenAI, Microsoft và Google liên tục công bố các bước phát triển AI mới, các đối thủ tại Trung Quốc như Baidu vẫn chưa có bằng chứng nào về những đột phá đáng kể.

Tuy vậy, các công ty Trung Quốc đã tích trữ một lượng thiết bị bán dẫn kỷ lục trong năm nay, bao gồm cả chip Nvidia cao cấp, để phòng ngừa nguy cơ bị áp đặt các biện pháp hạn chế mới.

Bloomberg Intelligence cho biết những kho dự trữ đó, cùng với các quy trình tính toán hiệu quả hơn, “sẽ đảm bảo sự phát triển AI của Trung Quốc vẫn đi đúng hướng cho đến năm 2025 và xa hơn nữa”.

Huawei, công ty đóng vai trò trung tâm trong tham vọng công nghệ và chất bán dẫn toàn cầu của Bắc Kinh, đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ. Theo Bloomberg Intelligence, các chất bán dẫn mới nhất của Huawei có thể vượt trội hơn chip AI H20 của Nvidia - sản phẩm được công ty Mỹ thiết kế riêng cho thị trường Trung Quốc để tuân thủ các biện pháp hạn chế.

Goldman Sachs cũng dự báo, Trung Quốc có thể nâng khả năng tự cung cấp chip nói chung lên 40% vào năm 2030, gần gấp đôi so với năm 2025, mặc dù phần lớn trong số này sẽ chỉ giới hạn ở các chất bán dẫn thế hệ cũ./.

Nguồn tham khảo: Kinh tế Sài Gòn