Momo: Đừng gọi em là "ví", em làm "trợ thủ" rồi!
Động thái mới nhất của MoMo gióng lên không ít băn khoăn về triển vọng của lĩnh vực ví điện tử. Khách hàng giờ đây cần nhiều hơn một hình thức thanh toán hay chuyển tiền tiện lợi (?!).
Tại sự kiện ra mắt định vị thương hiệu mới, diễn ra vào sáng nay (29/10), MoMo tuyên bố chuyển mình từ một ví điện tử trở thành “trợ thủ tài chính với AI”.
“Trợ thủ là người đứng lùi ra sau để nhân vật chính tỏa sáng. Nhân vật chính ở đây là ngân hàng, các tổ chức tài chính. Chúng tôi cũng muốn làm trợ thủ cho các nhà bán hàng trong quá trình chuyển đổi số, giúp họ chăm sóc khách tốt hơn”, ông Nguyễn Mạnh Tường - đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành MoMo - lý giải.
Đã qua rồi cái thời trăm hoa đua nở, thị trường ví điện tử giờ đây ghi nhận sức ép cạnh tranh - cả bên trong lẫn bên ngoài - ngày một lớn.
Các ví điện tử giờ đây còn phải cạnh tranh cả với các ngân hàng. Nhanh chóng thích nghi với xu hướng chuyển đổi số, nhờ tiềm lực mạnh mẽ, nhiều nhà băng đã thu hẹp đáng kể ranh giới về công nghệ đối với ví điện tử. Các ứng dụng của họ giờ có thể đáp ứng được hầu hết các tiện ích tương tự như một ví điện tử.
Cuộc đua “đốt tiền”, vì thế, cũng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Đã có những cái tên đáng chú ý đầu tiên rời khỏi cuộc chơi, chẳng hạn như Moca. Ví điện tử đình đám một thời của Grab thông báo ngừng cung cấp dịch vụ từ ngày 1/7, sau một chuỗi thời gian dài đốt tiền để giành giật thị phần.
Bản thân các ông lớn đầu ngành như MoMo, VNPay hay ZaloPay cũng đang bị cuốn vào "cuộc cạnh tranh xuống đáy". Những cái tên đứng đầu về doanh thu cũng là những gương mặt lỗ đậm nhất. Khoản lỗ luỹ kế ở một số đơn vị vận hành ví điện tử đã lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Chẳng hạn như MoMo. Năm 2022, doanh thu của ví điện tử này đạt khoảng 8.500 tỷ đồng, chỉ sau VNPAY nhưng vượt xa ShopeePay và ZaloPay. Tuy vậy, khấu trừ chi phí, MoMo nào báo lỗ 1.150 tỷ đồng. Đây cũng là số lỗ kỷ lục của ví điện tử này từ trước đến nay.
Tuy nhiên, trong một tín hiệu tích cực, khoản lỗ ròng của MoMo đã giảm đáng kể trong năm 2023, còn chưa tới 500 tỷ đồng. Đặc biệt là trong bối cảnh doanh thu của ví điện tử này vẫn ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022.
Ra mắt kể từ năm 2010, MoMo được quản lý và vận hành bởi CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service). Giai đoạn 2015-2020, số lượng người dùng ví MoMo tăng dựng đứng, từ mức 1 triệu người dùng vọt lên gấp 20 lần và cán mốc 20 triệu tài khoản.
Ngôi vương ví điện tử từng có lúc giúp MoMo được được định giá như một ‘kỳ lân’ công nghệ. Dù vậy. ngoài con số định giá hơn 2 tỷ USD - kết quả tham chiếu từ một thương vụ rót vốn, cái thị trường mong nhất - 'game' IPO Momo - lại mãi chẳng thấy đâu. Có nguồn nói thương vụ này "fail"...
Ở một diễn biến khác, hơn 2 năm trước, M_Service đã tiến thành thâu tóm CTCP Chứng khoán CV (CVS). Công ty chứng khoán này vẫn chưa biết “mang tiền về cho mẹ” khi báo lỗ ròng 9,7 tỷ đồng trong quý III/2024, qua đó nối dài mạch thua lỗ lên 9 quý liên tiếp./.