Quỳnh Vy Thứ Sáu, 17/1/2025, 8:47 (GMT+7)
Người theo dõi

Mô hình kinh doanh hệ sinh thái - chìa khóa thành công của doanh nghiệp toàn cầu

Chinh phục trải nghiệm khách hàng với mọi nhu cầu một điểm chạm, tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh và kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, mô hình hệ sinh thái doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng toàn cầu trong thời gian tới.
Mô hình kinh doanh hệ sinh thái - chìa khóa thành công của doanh nghiệp toàn cầu

Hệ sinh thái – động lực của tương lai kinh tế toàn cầu

Mô hình kinh doanh hệ sinh thái – mạng lưới hợp nhất giữa nhà cung cấp, khách hàng và đối tác kinh doanh – đã chứng minh sức mạnh vượt trội ở nhiều quốc gia. Theo thống kê từ McKinsey, 9 trên 10 tập đoàn giá trị nhất thế giới hiện nay vận hành theo mô hình này.

Những cái tên như Apple, Google, Amazon tại Mỹ; Kakao, Samsung ở Hàn Quốc; hay Alibaba, Tencent từ Trung Quốc chính là ví dụ điển hình. Họ không chỉ dẫn đầu trong một lĩnh vực cụ thể mà còn phát triển sâu rộng nhiều ngành, tích hợp công nghệ mạnh mẽ để liên kết mạng lưới doanh nghiệp và tạo ra giá trị vượt bậc.

Xu hướng chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống, đơn nhất sang hệ sinh thái dự kiến sẽ ngày càng tăng tốc. Theo dự báo của McKinsey, đến năm 2030, doanh thu từ các hệ sinh thái trên thế giới có thể đạt 80.000 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng doanh thu toàn cầu.

Một trong những ví dụ điển hình thành công nhất hiện nay là mô hình hệ sinh thái tài chính. Bằng cách tích hợp các dịch vụ ngân hàng, tiêu dùng và tài chính vào cùng một nền tảng, các ngân hàng không chỉ đảm bảo nguồn thu phí ổn định mà còn tối ưu hóa hành trình trải nghiệm của khách hàng.

Những "ngôi sao" hệ sinh thái trên thế giới

Hiện nay, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã thành công xây dựng các hệ sinh thái tích hợp công nghệ với tiêu dùng, thương mại điện tử, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản... mang lại hiệu quả vượt trội.

Ở Mỹ, hệ sinh thái của Amazon là một trong những mô hình kinh doanh đa dạng và toàn diện nhất thế giới. Khởi đầu từ cửa hàng sách trực tuyến, Amazon dần mở rộng, hợp tác để tạo hệ sinh thái khép kín từ mua sắm, giải trí, truyền thông đến logistics.

J.P. Morgan mới đây đã hợp tác với Oracle – một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, để tích hợp sản phẩm tài chính vào hệ sinh thái của Oracle, nhằm tối ưu hóa các hoạt động thanh toán, vay vốn và quản lý tài chính, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng chung.

Tại Úc, Commonwealth Bank (CBA) cũng đã phát triển một hệ sinh thái linh hoạt, không chỉ giới hạn ở ngân hàng. Nhà băng này còn tích hợp dịch vụ bất động sản vào nền tảng, giúp khách hàng tìm kiếm, định giá tài sản trước khi chuyển sang quy trình vay vốn.

Ở châu Á, Tập đoàn Ping An (Trung Quốc) đã xây dựng một hệ sinh thái tích hợp bao gồm bảo hiểm, ngân hàng, bất động sản và thương mại điện tử. Kết quả là giá trị cổ phiếu của họ tăng 2,5 lần trong 5 năm.

Alibaba (Trung Quốc) thậm chí còn xây dựng nền tảng số hóa trước, sau đó kết hợp với thương mại điện tử và tài chính, tạo dựng một hệ sinh thái khép kín từ logistics đến dịch vụ đám mây, thanh toán.

Vì sao mô hình kinh doanh hệ sinh thái là lựa chọn hoàn hảo?

Thứ nhất, tối ưu trải nghiệm khách hàng: Khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng đầy đủ các dịch vụ của hệ sinh thái trên cùng một nền tảng, tăng sự tiện lợi và trải nghiệm.

Thứ hai, tăng cường tiện ích và giá trị: Các dịch vụ được tích hợp và liên kết chặt chẽ, mang lại nhiều tiện ích hơn cho người dùng, từ đó tăng cường giá trị tổng thể trên mỗi khách hàng.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả kinh doanh: Các doanh nghiệp có thể chia sẻ dữ liệu, cơ sở hạ tầng, nguồn lực và khai thác một cách hiệu quả để cải thiện hiệu suất hoạt động.

Thứ tư, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững: Việc tiếp cận theo mô hình hệ sinh thái khó có thể bị các đối thủ "bắt chước" một cách dễ dàng, từ đó giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh vững chắc, khó sao chép.

Với nhiều ưu điểm mang lại cho khách hàng, các hệ sinh thái được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành xu hướng không thể đảo ngược trong tương lai.

Đây chính là con đường vững chắc để đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của khách hàng, tăng cường sức cạnh tranh và tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp, khách hàng và toàn bộ nền kinh tế.

Nắm bắt được những lợi ích to lớn của mô hình này, các doanh nghiệp Việt Nam đã định hướng xây dựng hệ sinh thái từ lâu. Tuy nhiên, để đạt được những thành công như Amazon hay Ping An vẫn cần thêm những nỗ lực đột phá trong ứng dụng công nghệ, sự hợp tác và tư duy đổi mới.

Chia sẻ
Báo cáo
Quỳnh Vy Người dùng
Nhà đất Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên