Thứ Ba, 14/5/2024, 10:20 (GMT+7)
Người theo dõi

Mirae Asset: Nhịp điều chỉnh trong tháng 4 là sự tái cân bằng cần thiết, lạc quan về triển vọng trung hạn của thị trường

Nhịp điều chỉnh trong tháng 4 được coi là một sự tái cân bằng cần thiết sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp.

Sau chuỗi tăng điểm 5 tháng liên tiếp, áp lực chốt lời bất ngờ tại nhóm ngân hàng đã tạm thời làm gián đoạn xu hướng tăng của VN-Index.

Dù vậy, trong báo cáo chiến lược mới công bố, CTCP Chứng khoán Mirae Asset (Mirae Asset) vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của VN-Index trong trung hạn. 

Lạm phát tăng nhưng vẫn trong mức kiểm soát

Mirae Asset cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng, từ mức thấp vào tháng 4/2023, chủ yếu do giá thực phẩm, xăng dầu và dịch vụ y tế tăng; trong khi CPI cơ bản vẫn ổn định ở mức thấp.

Trung bình 4 tháng đầu năm, CPI và CPI cơ bản tăng lần lượt 3,9% và 2,8% so với cùng kỳ, vẫn nằm dưới mục tiêu của chính phủ.

Trong tháng 4, Bộ Tài chính đã cập nhật dự báo về 3 kịch bản lạm phát, lần lượt là 3,64%, 4,05% và 4,5% (so với các kịch bản trước đó lần lượt là 3,52%, 4,03% và 4,5%).

Tỷ giá bất định 

Về tình hình tỷ giá, Mirae Asset nhận định rằng áp lực tỷ giá hối đoái sẽ tiếp diễn khi thông điệp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc cắt giảm lãi suất ngày càng không chắc chắn giữa bối cảnh lạm phát tại Mỹ liên tục tăng trong ba tháng qua, khiến lộ trình đưa lạm phát về 2% trở nên kém bền vững với mức thắt chặt hiện tại. 

Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell dường như trở nên “bồ câu” hơn sau quyết định giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán vào tháng 6, tuy nhiên điều này có thể làm trì hoãn thêm lộ trình cắt giảm lãi suất mà thị trường ban đầu kỳ vọng. 

Bối cảnh hiện tại cho thấy lần cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể được hướng đến cuộc họp vào tháng 9. Tuy nhiên, việc duy trì lãi suất cao và thông điệp không rõ ràng có thể làm gia tăng áp lực lên tỷ giá hối đoái trong thời gian tới.

Nhịp điều chỉnh lại mang nhiều cơ hội hơn rủi ro

Sau chuỗi tăng điểm 5 tháng liên tiếp, áp lực chốt lời bất ngờ tại nhóm ngân hàng đã tạm thời làm gián đoạn xu hướng tăng của VN-Index. Chỉ số VN-Index giảm hơn 70 điểm trong tháng 4 và đóng cửa ở mức 1.209,52 - giảm 5,81% so với tháng trước (riêng áp lực bán tại nhóm Ngân hàng đã khiến VN-Index giảm hơn 25 điểm).

Nhịp điều chỉnh trong tháng 4 được coi là một sự tái cân bằng cần thiết sau 5 tháng tăng điểm liên tiếp. Quan điểm này được củng cố thêm bởi mức giảm EPS của VN-Index, sau khi các công ty niêm yết công bố kết quả tài chính sau kiểm toán.

Mặc dù vậy, Mirae Asset vẫn lạc quan về triển vọng của VN-Index trong trung hạn dựa trên nhiều yếu tố. 

Thứ nhất, đợt giảm trong tháng 4 đã làm hạ nhiệt định giá của các chỉ số chính, bao gồm VN-Index, VN30 và VN70 (Midcap), đưa định giá trở lại trạng thái cân bằng hơn khi so sánh với tỷ lệ P/E lịch sử trong 10 năm gần nhất. 

Thứ hai, kết quả kinh doanh quý 1 năm 2024 khá khả quan. Mặc dù bức tranh tổng thể có phần trái chiều, tổng lợi nhuận sau thuế và lợi ích cổ đông thiểu số (NPATMI) cho VN-Index đã thể hiện sự tăng trưởng 11,2% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với quý 4 năm 2023. Điều này đã đẩy giá trị tương ứng với tỷ lệ P/E trung bình phục hồi lên trên 1.320 điểm sau khi giảm xuống 1.257 điểm vào ngày 22/04

Cuối cùng, áp lực bán đã giảm dần từ tuần cuối tháng 4, với lực cầu được củng cố quanh vùng 1.160 đến 1.180 điểm, đặt nền móng cho một xu hướng tăng tiềm năng trong tương lai gần./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Nhà đất Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên