Margin kỷ lục ư? Nhưng là margin nào? Đừng nhầm, nhỏ lẻ đâu trading...
16:29 02/05/2025
Dư nợ cho vay margin của các công ty chứng khoán đang ở mức cao kỷ lục, nhưng đừng vội nghĩ đó là tín hiệu hưng phấn từ nhà đầu tư cá nhân. Phần lớn dòng tiền này có thể đang bị "lệch pha" khỏi thị trường giao dịch.
Tính đến cuối quý 1/2025, tổng dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước đạt 280.000 tỷ đồng (khoảng 11 tỷ USD), tăng tới 35.000 tỷ đồng chỉ sau ba tháng đầu năm.
Trong đó, dư nợ margin – khoản vay chủ yếu phục vụ đầu tư chứng khoán – đạt khoảng 273.000 tỷ đồng, tăng 33.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 và là mức cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại ngày 31/3/2025, tỷ lệ dư nợ margin so với vốn hoá niêm yết trên hai sàn HOSE và HNX đã vọt lên mức 4,8%, vượt mốc kỷ lục cũ tại cuối năm 2024 (4,4%) và tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (3,7%).
Trong khi đó, chỉ số VN-Index vẫn giậm chân quanh mốc 1.200 điểm, thanh khoản khớp lệnh bình quân trên HOSE trong quý đầu năm đạt hơn 14.300 tỷ/phiên. Điều này cho thấy mức tăng margin không đi kèm với sự hưng phấn trong giao dịch cổ phiếu.
Vậy dòng tiền này đang thực sự chảy vào đâu?
Dù dư nợ cho vay margin cao kỷ lục, doanh thu môi giới quý 1/2025 của các công ty chứng khoán chỉ đạt khoảng 2.700 tỷ đồng, giảm tới 31% so với cùng kỳ 2024, đánh dấu quý giảm thứ ba liên tiếp.
Điều này cho thấy dường như dòng vốn vay không hoàn toàn chảy vào các tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân – đối tượng thường gắn liền với hoạt động trading ngắn hạn.
Thay vào đó, một phần không nhỏ vốn vay được sử dụng như vốn tạm ứng cho các giao dịch ngầm, phục vụ “deal” của các cổ đông lớn, ban lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đang bị siết lại.
Hiểu đơn giản, các công ty chứng khoán đang ngày càng trở thành shadow banking – nơi cung cấp tín dụng dễ dãi thông qua hình thức cầm cố cổ phiếu, không cần qua quy trình xét duyệt chặt chẽ như ngân hàng, cũng không bị ràng buộc bởi các quy chuẩn như phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Thực tế, rất nhiều công ty chứng khoán hiện có cổ đông lớn là các ngân hàng – và điều này vô tình mở ra một “vòng tròn tín dụng” khép kín: Ngân hàng rót vốn vào CTCK, CTCK cho vay ngắn hạn kiểu margin, nhưng thực chất là vốn dài hạn phục vụ mục đích khác.
Vấn đề nằm ở chỗ: Margin vốn dĩ là công cụ vay ngắn hạn, dùng để tận dụng cơ hội trong đầu tư chứng khoán. Nhưng nếu dùng margin để vay vốn trung - dài hạn cho mục đích khác, rủi ro thanh khoản là điều tất yếu.
Một khi thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu hoặc xuất hiện cú sốc bất ngờ, các khoản vay này sẽ không thể xoay vòng kịp, dẫn đến force sell chéo hàng loạt, khiến thị trường càng thêm hoảng loạn. Nếu không được kiểm soát kịp thời, margin có thể trở thành ngòi nổ cho một hiệu ứng domino nguy hiểm./.