Trong giai đoạn tháng 7 - 9/2024, hãng tư vấn nghề nghiệp Aon đã tiến hành phân tích dữ liệu thu thập được từ hơn 950 doanh nghiệp trên khắp Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Kết quả phân tích cho thấy tốc độ tăng lương dự kiến của người lao động trong năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024. Đồng thời, các doanh nghiệp trong khu vực nhiều khả năng sẽ duy trì hoặc tăng tổng lực lượng lao động của mình.
Tuy nhiên, việc không thể thu hút và giữ chân nhân tài đang trở thành rủi ro chính đối với các công ty châu Á - Thái Bình Dương. Rủi ro này đã chuyển từ vị trí thứ 9 trong nghiên cứu năm 2021 lên vị trí thứ 4 vào năm 2023.
Trao đổi với CNBC, ông Rahul Chawla, trưởng bộ phận giải pháp nhân lực của Aon tại Đông Nam Á, chia sẻ: “Chúng tôi dự đoán tốc độ tăng lương dự kiến cho năm 2025 vẫn sẽ cao hơn năm 2024, trong khi lạm phát và lãi suất sẽ xuống thấp hơn”.
“Điều đó cho thấy dù lạm phát đã hạ nhiệt, tăng trưởng tiền lương vẫn diễn ra mạnh mẽ. Hay nói cách khác, thị trường việc làm đang có tình trạng chênh lệch về cung cầu nhân tài, khiến các doanh nghiệp bỏ qua vấn đề lạm phát”.
Theo ông Chawla, Đông Nam Á là một môi trường lý tưởng để nhiều công ty công nghệ thành lập cơ sở. Sức hút đó giúp các nước trong khu vực thu hút vốn đầu tư và tạo ra nhu cầu nhân tài để phục vụ đà tăng trưởng này.
Ông Cheng Wan Hua - Giám đốc bộ phận phân tích nhân lực của Aon tại Đông Nam Á - còn đề cập đến tốc độ phát triển công nghệ như một yếu tố thúc đẩy tốc độ tăng lương trong khu vực.
Vị giám đốc cho biết hai năm trước những kỹ thuật như prompt engineering không phải là thứ phổ biến. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của ChatGPT, các công ty đang rất cần kỹ năng mới này.
Bảng bên dưới là mức tăng lương dự kiến vào năm 2025 của 6 quốc gia Đông Nam Á, theo phân tích của Aon.
Cũng theo phân tích, mức tăng lương cũng khác nhau theo từng ngành nghề. Trong đó, tiền lương cho người lao động trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất dự kiến sẽ tăng cao nhất - ở mức 5,8%.
Tiền lương của nhân lực trong lĩnh vực bán lẻ; tư vấn, kinh doanh và dịch vụ cộng đồng; cùng khoa học đời sống và thiết bị y tế dự kiến tăng khoảng 5,4%.
Các ngành có tốc độ tăng lượng thấp hơn là năng lượng (4,9%), dịch vụ tài chính (4,8%) và vận tải (4,1%).
Đáng chú ý, nghiên cứu của Aon cho thấy mức tăng lương dự kiến ở Singapore và Thái Lan sẽ thấp hơn mặt bằng chung khu vực. Theo đó, tiền lương của người lao động tại hai nước dự kiến tăng lần lượt 4,4% và 4,7%.
“Tốc độ tăng lương ở Singapore thường tụt lại phía sau các nước Đông Nam Á khác. Singapore là một thị trường phát triển nên lạm phát của nước này thường thấp hơn các quốc gia đang tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn”, ông Chawla lưu ý.
Chưa kể, tốc độ tăng trưởng GDP ở quốc đảo sư tử cũng có xu hướng thấp hơn so với các nước trong khu vực. Vì vậy, điều này cũng góp phần khiến mức tăng lương dự kiến thấp hơn, vị chuyên gia nói thêm.
Trong khi đó, Thái Lan lại có tốc độ tăng trưởng kinh tế kém hơn các quốc gia khác trong khu vực. Nếu xét từ những góc độ như ngoại ngữ, lao động Thái Lan thường ít linh hoạt hơn nên họ có xu hướng ở lại trong nước./.
Nguồn: Doanh nhân Việt Nam