Lúc Tencent “ra mặt” ở VNG
22:11 10/09/2024
Thực ra, mối liên hệ giữa CTCP VNG (Mã CK: VNZ) và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã được đồn đoán từ lâu. Tuy nhiên, một tài liệu do VNG Limited gửi Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) hồi tháng 8/2023 đã "bạch hoá" sở hữu của Tencent tại chủ Zalo, ZaloPay.
Theo đó, Tencent dự kiến sở hữu 65,1 triệu cổ phiếu loại A của VNG Limited - tương ứng với tỷ lệ biểu quyết ở mức 23,2% - qua đó trở thành cổ đông ngoại lớn nhất tại pháp nhân có "tiếng nói" chi phối ở VNG.
Cụ thể, số cổ phần của Tencent bao gồm: 43,08 triệu cổ phiếu của Tenacious Bulldog Holdings Limited (Tenacious Bulldog); 14,5 triệu cổ phiếu của Prosperous Prince Enterprises Limited (Prosperous Prince Enterprises); và 7,5 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành sau khi VNG Limited hoàn tất IPO.
Tenacious Bulldog và Prosperous Prince Enterprises – theo tài liệu của VNG Limited – đều được sở hữu và kiểm soát bởi Tencent Holdings Limited.
Thực tế, Tenacious Bulldog và Prosperous Prince Enterprises đã góp mặt trong cơ cấu sở hữu của VNG từ nhiều năm nay. Có thời điểm, tỷ lệ biểu quyết của hai tổ chức này tại chủ sở hữu Zalo vọt lên mức 36,94%.
Lần lại quá trình phát triển của VNG, không khó để nhận ra các “gạch nối” với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Đơn cử, tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2011 đã kiểm toán của VNG, Tencent Holdings Limited được ghi nhận là “cổ đông lớn”. Trước đó nữa, vào năm 2008, cựu giám đốc M&A của Tencent là ông Johny Shen (Johny Shen Hao) cũng gây xôn xao khi chuyển sang phụ trách tài chính tại VNG.
Ngoài Tencent, sẽ là thiếu sót, nếu không đề cập đến các tay to khác tại VNG Limited, gồm: Ant Group, GIC, Seletar Investments Pte Ltd (thuộc Temasek Holdings) – với tỷ lệ biểu quyết dự kiến lần lượt ở mức 2,8%; 3,4% và 5,4%.
Tại một bài viết cũ, người viết từng chỉ ra “tiếng nói” của khối ngoại ở VNG đã vượt xa giới hạn sở hữu 49% nhờ “lá bài” cổ phiếu quỹ. Tầm ảnh hưởng của khối ngoại tại VNG hẳn còn tăng thêm nữa, đặc biệt là khi nhà sáng lập Lê Hồng Minh đã rút khỏi những chiếc ghế quyền lực nhất trong HĐQT và ban điều hành.
Ông Võ Sỹ Nhân – người thay ông Minh làm Chủ tịch HĐQT VNG – là một yếu nhân của quỹ đầu tư Hong Kong Gaw Capital. Còn ông Kelly Wong – một nhân sự gốc Hoa – mới được bổ nhiệm làm Quyền Tổng Giám đốc VNG, thay vì ông Vương Quang Khải – người bấy lâu nay vẫn được xem là “phó tướng” của ông Minh tại VNG.
Bản thân VNG, tại báo cáo tài chính bán niên nửa đầu năm 2024, cũng ghi nhận loạt pháp nhân “họ” Tencent - chẳng hạn như: Tencent Technology (Shenzhen) Company Limited, Tencent Technology (Shanghai) Co. Ltd, Tencent Mobile International Ltd - đều là “bên liên quan với các công ty có ảnh hưởng đáng kể” đến doanh nghiệp này.
24 triệu USD chờ rót vào VNG?
Tại hồ sơ gửi lên Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) hồi tháng 8/2023, VNG Limited khẳng định sẽ có quyền kiểm soát về mặt kinh tế đối với VNG ngay trước khi bắt đầu IPO, dựa trên số lượng cổ phần sở hữu và các yếu tố khác như độ phân tán, lịch sử biểu quyết của số cổ phần còn lại của kỳ lân công nghệ.
Theo đó, VNG Limited sẽ trực tiếp nắm giữ 49% vốn VNG nhờ mua lại cổ phần từ các cổ đông nước ngoài. Đồng thời, công ty này cũng sẽ gián tiếp sở hữu 21,3% tỉ lệ lợi ích tại VNG thông qua thỏa thuận và quyền kiểm soát của mình tại CTCP Công nghệ BigV (BigV).
Song, như đã biết, VNG Limited đã tạm dừng việc IPO tại Mỹ. “Chúng tôi nhận ra không nhất thiết phải làm điều đó bằng mọi giá", ông Lê Hồng Minh chia sẻ tại một sự kiện hồi cuối tháng 5/2024, dù “đã hiểu rõ những rủi ro, không ngại đối mặt với hậu quả”.
Báo cáo tài chính soát xét gần nhất của VNG (Mã CK: VNZ) thì tiết lộ thêm một chi tiết khác. Cụ thể:
“Theo các điều khoản trong thoả thuận đăng ký góp vốn giữa Công ty và các đối tác liên quan nhằm cam kết đầu tư với số tiền là 24 triệu đô la Mỹ được thừa nhận là phụ thuộc vào đợt phát hành lần đầu ra công chúng (“IPO”) của VNG Limited. Theo đó, nghĩa vụ góp số tiền cam kết sẽ được chuyển giao và thực hiện bởi VNG Limited khi đợt IPO thành công”.
Đồng thời cho biết thêm: Nếu đợt IPO không diễn ra vào một ngày cụ thể, VNG sẽ không được coi là đã vi phạm nghĩa vụ góp số tiền đã cam kết theo yêu cầu. Tổng số tiền cam kết dự kiến sẽ được gọi trong vòng 5 năm kể từ ngày ký thoả thuận đăng ký góp vốn. Tại ngày 30/6/2024, VNG không có ý định tiếp tục thoả thuận này nếu như đợt IPO không được diễn ra trước hoặc vào ngày chốt các đối tác thích hợp đã được gia hạn tới ngày 31/12/2024. Theo đó, trong trường hợp này, VNG có thể chấm dứt hợp đồng đăng ký mà không phải chịu bất cứ khoản phạt nào.
Ông Vương Quang Khải được biết đến rộng rãi là “co-founder” của VNG.
Tuy nhiên, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của VNG được cấp lần đầu ngày 9/9/2004 lại không có tên ông Khải trong vai trò cổ đông sáng lập.
Thay vào đó, bên cạnh ông Lê Hồng Minh, các cổ đông sáng lập của VNG còn có các ông Cao Toàn Mỹ, Trịnh Bảo và Nguyễn Thanh Bình.
Trong đó, ông Cao Toàn Mỹ từng được biết đến rộng rãi trong vụ xét xử hoa hậu Trương Hồ Phương Nga.
Ông Mỹ được cho là đã rút khỏi VNG từ khá sớm, vào khoảng đầu năm 2008.
Đây cũng là khoảng thời gian mà VNG – nhờ ăn nên làm ra trong lĩnh vực game – đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các ‘cá mập’, trong đó có quỹ IDG Ventures./.