Theo đó, Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc Gia vừa ra thông báo dừng tổ chức hai phiên đấu giá đợt 4 và 6 tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Theo kế hoạch, hai phiên có tổng 39 thửa đất dự kiến lên sàn đấu vào ngày 7 và 21/12 tới.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên Thanh Oai tạm dừng tổ chức đấu giá đất. Đầu tháng 9, huyện này hủy hai phiên đấu giá 114 lô đất ở xã Cao Dương để rà soát điều kiện pháp lý. Sang tháng 10, huyện tiếp tục thông báo tạm dừng đấu 197 thửa tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.
Động thái này diễn ra sau khi phiên đấu giá 68 lô xã Thanh Cao gây xôn xao dư luận với trên 4.000 hồ sơ tham gia, giá trúng đẩy lên 100 triệu đồng mỗi m2, gấp 5-6 lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, khoảng 80% người trúng đấu giá tại đây đã bỏ cọc. Trong đó, toàn bộ các lô đất có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng một m2 không nộp tiền.
Trước đó, phiên đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cũng gây rúng động thị trường bất động sản khi xuất hiện cá nhân trả giá lên tới 30 tỷ đồng/m2.
Đến ngày 3/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - CATP Hà Nội đã ra Quyết định tạm giữ đối với 5 nghi phạm bị cáo buộc có hành vi sai phạm liên quan vụ trả giá 30 tỉ đồng/m2 đất ở huyện Sóc Sơn nhằm "phá" phiên đấu giá.
Giải pháp nào để kiểm soát?
Trước thực trạng trên, các Bộ, ngành và cả địa phương đã áp dụng một số giải pháp, ví dụ như tính toán lại giá khởi điểm, công khai danh tính một số đối tượng trả giá cao bất thường xong hủy cọc, hoặc bỏ cuộc giữa chừng. Dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp này không mang lại nhiều hiệu quả.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, đây là những hành vi diễn ra rất tinh vi của nhóm đối tượng chuyên đầu tư, đầu cơ đất đai để "lướt sóng", sang tay kiếm chênh hoặc đẩy giá cho khu vực xung quanh.
Vị này cho rằng đơn vị tổ chức đấu giá cần tăng cường thẩm định năng lực của các khách hàng tham gia, ví dụ, họ cần chứng minh rõ nguồn tiền khi trả giá. Theo ông, đấu giá đất cần được xem là mặt hàng đặc biệt, cần thiết có chế tài mạnh hơn để xử lý các sai phạm như bỏ cọc, bỏ đấu giá, tình trạng "quân xanh, quân đỏ"...
Về lâu dài, chuyên gia khuyến nghị giải pháp áp thuế bất động sản theo năm sở hữu theo đề xuất của Bộ Tài chính, giúp giảm bớt động lực mua bán để đẩy giá của nhóm đầu tư lướt sóng, phù hợp thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng các địa phương cần nhanh chóng triển khai những quy định của Luật Đất đai năm 2024, trong đó trọng tâm là việc điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất theo mức giá thị trường ở từng khu vực, căn cứ vào đó để đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất.
Khi bảng giá đất sát với giá thị trường, là căn cứ để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, sẽ hạn chế được tình trạng “thổi giá” của những người đầu cơ và ngăn chặn được tình trạng lũng đoạn, thao túng thị trường.
“Bất cập lớn nhất hiện nay là hầu hết các địa phương vẫn sử dụng bảng giá đất theo khung quy định cũ, nên giá khởi điểm được xác định trong bảng giá đất thường thấp hơn nhiều lần so với giá thực tế thị trường. Trong khi quy định về đặt cọc để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cao nhất hiện nay là 20% tổng giá trị tài sản. Do đó, việc sẵn sàng bỏ số tiền đặt cọc khoảng 100 – 200 triệu đồng không phải vấn đề gì đó quá khó khăn với những người đầu cơ” ông Điệp nói./.
Nguồn tham khảo: VnExpress, Kinh tế & Đô thị