Thứ Tư, 5/6/2024, 14:40 (GMT+7)
Người theo dõi

Lỗ nặng quý I, Vinahud vẫn đặt mục tiêu có lãi trong năm 2024

Vinahud còn cách xa mục tiêu lãi 19 tỷ đồng đề ra cho năm 2024 sau khi báo lỗ hơn 51 tỷ đồng trong quý I, đặc biệt là trong bối cảnh công ty đang phải ‘gồng’ khoản nợ gần 2.000 tỷ đồng tại TPBank.

CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị Vinahud (UPCOM: VHD) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Về tình hình hoạt động, trong năm 2023, Vinahud ghi nhận doanh thu 358 tỷ đồng, giảm 26,66% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi chi phí tài chính lại tăng mạnh từ 2,4 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, Vinahud báo lỗ sau thuế gần 164 tỷ đồng, kém xa khoản lãi 21,5 tỷ đồng của thực hiện năm 2022.

Đánh giá thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, ban lãnh đạo Vinahud lên kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu hợp nhất 603 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18,75 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với kết quả của năm 2023.

Công ty sẽ tiếp tục thực hiện công tác giám sát hoạt động đầu tư, phát triển các dự án như Grand Mercure Hội An, Dự án Viên Nam tại TP Hòa Bình và đặc biệt là dự án Làng Hoa Tiền Phong tại huyện Mê Linh, Hà Nội.

VHD còn cách xa kế hoạch kinh doanh. Trong quý 1/2024, công ty ghi nhận 50 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm mạnh so với 71,7 tỷ đồng của quý 1/2023, lợi nhuận gộp từ đó cũng giảm 67% về còn 2,6 tỷ đồng. Khấu trừ thuế phí, Vinahud báo lỗ 51,4 tỷ đồng, "kém xa" khoản lãi 593,5 triệu đồng của cùng kỳ quý 1/2023.

Khoản lỗ của quý 1/2024 nâng lỗ lũy kế của Vinahud từ 134,5 tỷ đồng lên 186 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3/2024 của công ty này cũng giảm 21% so với đầu năm về còn 195 tỷ đồng.

Trong khi đó, tính đến cuối quý 1/2024, tổng nợ phải trả của Vinahud tăng nhẹ so với đầu năm lên 4.782 tỷ đồng, tương đương tới 96% tổng cộng nguồn vốn. Chiếm phần lớn cơ cấu nợ là 1.266 tỷ đồng người mua trả tiền trước theo các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản, và 2.358 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính.

Phần lớn nợ vay của Vinahud tới từ khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HoSE: TPB), với dư nợ ở mức 1.986 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên ngày 12/4/2023, cổ đông Vinahud đã thông qua tờ trình nhận chuyển nhượng từ R&H Group 83% phần vốn tại Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Friends với mức giá 987,5 tỷ đồng; 100% Công ty TNHH Mê Linh Thịnh Vượng với giá 950 tỷ đồng. Tổng giá phí của 2 thương vụ là 1.937,5 tỷ đồng.

Trong đó, 80% nguồn vốn, tương đương 1.550 tỷ đồng sẽ được thu xếp bởi TPBank, cao gấp 2,6 lần tổng tài sản và 3,8 lần vốn chủ sở hữu của Vinahud tại thời điểm đầu năm 2023.

Các thương vụ M&A kể trên diễn ra không lâu trước khi 3 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá 2.500 tỷ đồng của R&H Group đáo hạn (từ ngày 14/4-3/5/2023). Giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, R&H Group đã phát hành thành công 8.150 tỷ đồng trái phiếu, với CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đóng vai trò là bên thu xếp.

Khoản cấp tín dụng với Vinahud là một trong những chủ đề được cổ đông TPBank quan tâm tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 23/4 vừa qua.

Chia sẻ về khoản vay nói trên, ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc TPBank - cho biết câu chuyện về rủi ro tín dụng là vấn đề thận trọng với ngân hàng. Các khoản cấp tín dụng của TPBank đều đủ điều kiện cho vay theo quy định của NHNN và pháp luật hiện hành.

TPBank có nhiều khách hàng lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và ngân hàng luôn tuân thủ những quy định về cấp tín dụng để đảm bảo rủi ro. Đối với các dự án có hồ sơ có pháp lý đầy đủ, tài sản đảm bảo tốt, lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng sẽ là những dự án có hiệu quả trong tương lai./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên