Nguyễn Luyện 11 giờ trước
Người theo dõi

Lỗ chồng lỗ, chủ dự án Landmark 60 Bason âm sâu vốn chủ sở hữu, nợ phải trả vượt 17.000 tỷ đồng

Trong nửa đầu năm 2024, vốn chủ sở hữu của Capitaland Tower - doanh nghiệp phát triển dự án Landmark 60 Bason - giảm thêm 38,2 tỷ đồng xuống mức âm gần 800 tỷ đồng tại ngày 30/6/2024.

Cụ thể, báo cáo cập nhật tình hình tài chính vừa được Công ty TNHH Capitaland Tower (Capitaland Tower) cập nhật trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ sau thuế 38,2 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2024.

Lỗ chồng lỗ, chủ dự án Landmark 60 Bason âm sâu vốn chủ sở hữu, nợ phải trả vượt 17.000 tỷ đồng

Trước đó, giai đoạn 2022-2023, Capitaland Tower cũng liên tục báo lỗ với tổng số lỗ lũy kế lên tới 2.683,4 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Capitaland Tower đạt 16.875,8 tỷ đồng, tăng 0,7% so với đầu năm; vốn chủ sở hữu giảm thêm 38,2 tỷ đồng về mức âm 799,8 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty là 17.675,5 tỷ đồng, với dư nợ từ trái phiếu ở mức 12.239,8 tỷ đồng

Theo dữ liệu từ HNX, toàn bộ dư nợ trái phiếu của Capitaland Tower đến từ 4 lô trái phiếu mã CPLCB2328001 (2.500 tỷ đồng), CPLCB2328002 (2.500 tỷ đồng), CPLCB2328003 (4.830,5 tỷ đồng) và CPLCB2328004 (2.409,3 tỷ đồng). Các lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 5 năm, được phát hành từ ngày 25/7 – 11/8/2023.

Đáng chú ý, các lô trái phiếu của Capitaland Tower có mức lãi suất rất thấp, chỉ 1%/năm. Điểm khác biệt là ngoài phần lãi suất được hưởng, trái chủ có quyền sử dụng tiền gốc và lãi trái phiếu để góp vào vốn điều lệ của Capitaland Tower.

Capitaland Tower của ai?

Thành lập tháng 4/2016, Capitaland Tower là doanh nghiệp phát triển dự án tòa nhà văn phòng, thương mại - dịch vụ, trên khu đất rộng 6.042 m2 có vị trí đắc địa tại Khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son (được biết đến rộng rãi với tên gọi Landmark 60 Bason).

Lỗ chồng lỗ, chủ dự án Landmark 60 Bason âm sâu vốn chủ sở hữu, nợ phải trả vượt 17.000 tỷ đồngPhối cảnh dự án Landmark 60 Ba Son

Theo dữ liệu của người viết, cập nhật tới ngày 20/11/2023, cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối tại Capitaland Tower là ông Lương Phan Sơn - cá nhân đứng tên cho phần vốn góp trị giá 1.966,5 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 95% vốn điều lệ.

Trong khi đó, 5% vốn còn lại của Capitaland Tower thuộc sở hữu của CLV Investment 6 Limited - pháp nhân có trụ sở chính tại “thiên đường thuế” Cayman Islands.

Hạ tuần tháng 3/2024, CLV Investment 6 Limited đã chuyển nhượng toàn bộ 5% cổ phần tại Capitaland Tower cho hai nhà đầu tư trong nước là ông Nguyễn Mạnh Kiên (2,5%) và ông Nguyễn Tân Hưng (2,5%). Cùng ngày, ông Lương Phan Sơn cũng được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV của Capitaland Tower, thay thế cho người tiền nhiệm Hui Ho Wai Clement.

Đáng chú ý, thượng tuần tháng 4/2024, ông Lương Phan Sơn, ông Nguyễn Mạnh Kiên và ông Nguyễn Tân Hưng đã mang toàn bộ 100% cổ phần tại Capitaland Tower thế chấp vào một nhà băng tư nhân trong nước.

Sinh năm 1963, ông Lương Phan Sơn được biết đến với biệt danh Sơn "Corona", là một doanh nhân trở về từ Đông Âu và được nhiều đại gia cùng nhóm coi như "anh lớn". Ông Sơn còn được nhắc đến trong những đồn đoán liên quan đến những dịch chuyển cổ phần ở Eximbank nhưng tất cả chỉ là những lời đồn, mà thiếu những thông tin xác thực đủ căn cứ.

Ngoài ra, cập nhật tại ngày 27/3/2024, ông Lương Phan Sơn còn là cổ đông nắm giữ 36% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thiên Phúc – tân cổ đông nắm giữ 16% cổ phần Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI (SDI). Mà SDI, nên biết, là cổ đông lớn gián tiếp sở hữu 41,5% vốn CTCP Vincom Retail (Mã CK: VRE)./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên