Thứ Sáu, 7/6/2024, 9:38 (GMT+7)
Người theo dõi

Lộc Trời ‘quay xe’ chia cổ tức bằng cổ phiếu

Động thái đổi phương án chia cổ tức bằng tiền mặt sang cổ phiếu của Lộc Trời diễn ra trong bối cảnh nhà cung ứng lúa gạo lớn nhất Việt Nam đang gặp khó về dòng tiền.

HĐQT CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) vừa công bố nghị quyết sửa đổi, bổ sung tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Đại hội dự kiến được tổ chức ngày 26/6 tại Viện nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

“Nhằm tăng cường nguồn lực về vốn cho việc thực hiện mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh, và gia tăng lợi ích của cổ đông gắn liền với cam kết về hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời, HĐQT công ty trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 thông qua việc điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023”, tờ trình của Lộc Trời nêu rõ.

Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Lộc Trời sẽ chi ra 242 tỷ đồng trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 30%. Thay vào đó, LTG trình ĐHĐCĐ kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với cùng tỷ lệ 30%.

Theo đó, công ty sẽ phát hành 30,22 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức cho năm 2023, nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023. Nếu thực hiện thành công, Lộc Trời sẽ nâng vốn điều lệ lên 1.309,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, HĐQT Lộc Trời đứng đầu bởi Chủ tịch Huỳnh Văn Thòn còn đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30% cho giai đoạn 2024 – 2025, “nhằm đảm bảo và gia tăng lợi ích của cổ đông gắn liền với hiệu quả kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời”.

Trong thời gian qua, Lộc Trời thu hút nhiều sự quan tâm giữa lùm xùm nợ hàng trăm tỷ đồng tiền lúa của nông dân.

Trong một thông cáo phát ra hồi trung tuần tháng 5, Lộc Trời cho biết từ đầu vụ Đông Xuân 2023-2024, tập đoàn này đã triển khai ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và đầu tư vật tư và dịch vụ nông nghiệp (không tính lãi suất) trên diện tích canh tác hơn 50.000 ha tại khu vực ĐBSCL.

Cho tới giữa tháng 4/2024, Lộc Trời đã mua trên 300.000 tấn lúa với tổng giá trị gần 2.500 tỷ đồng, đưa vào chế biến tại các nhà máy của tập đoàn đóng tại các địa phương. Chỉ riêng tại An Giang, sản lượng thu mua trên 120.000 tấn lúa, trị giá đạt gần 1.000 tỷ đồng. Tổng số tiền đã trả cho bà con nông dân lên tới trên 2.000 tỷ đồng.

"Do một số biến động khách quan từ các khách mua gạo và ngân hàng, dù rất cố gắng, chủ động thu xếp dòng tiền với các đối tác, thậm chí chấp nhận bán lúa khô với giá thấp để ưu tiên khoản chi trả tiền lúa nhưng vẫn có khoảng lệch về thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến bà con nông dân", Lộc Trời phân trần.

Tập đoàn cho biết đã “làm chủ tình huống” và thực hiện tái cấu trúc tài chính, đối thoại và tìm tiếng nói chung với các đối tác tài chính cùng ngân hàng để tìm ra giải pháp khả thi và hiệu quả, cân đối giữa các nguồn vốn, dòng vốn.

Lộc Trời cũng đã phối hợp cùng TPBank để thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng với cam kết với nông dân và chính quyền địa phương./.

Chia sẻ
Báo cáo
A
Người dùng
Nhà đất Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên