Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Lĩnh vực nào 'hút' vốn tín dụng trong quý I/2024?

17:30 06/05/2024

Kinh doanh bất động sản vẫn là phân khúc giúp nhiều nhà băng tăng trưởng tín dụng trong quý I, cùng với một mảng mới là hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ.

Sau Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng ghi nhận giảm dư nợ trong quý I.

Hai tháng đầu năm, chỉ tiêu này âm 0,72%. Đến hết tháng 3, tín dụng vào nền kinh tế mới tăng trở lại, đạt 0,9%. Tuy nhiên, con số này là mức trung bình của cả hệ thống, còn mỗi nhà băng lại có một diễn biến khác nhau.

Phần lớn dư nợ của Techcombank - đứng thứ hai về tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống - được dồn cho kinh doanh bất động sản.

Đến hết quý I, Techcombank cho vay hơn 539.000 tỷ đồng, tăng hơn 37.400 tỷ so với đầu năm. Trong đó, hơn 17.000 tỷ đồng được ngân hàng này đẩy vào cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản. Tỷ trọng của mảng này trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 35,21% vào đầu năm lên 35,98% vào cuối quý I.

Đứng thứ hai về quy mô tăng dư nợ với Techcombank là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ, tăng thêm gần 10.000 tỷ đồng trong quý I. Năm 2023, lĩnh vực này mới được cho vay hơn 500 tỷ đồng.

Ngoài Techcombank, các nhà băng khác cũng ghi nhận dư nợ cho hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ tăng, như SHB là hơn 3.200 tỷ đồng (tăng gần 3.000 tỷ đồng trong quý I), MB ghi nhận hơn 600 tỷ đồng (tăng hơn 30 tỷ đồng).

Quy mô cho vay của ABBank đến cuối quý I là hơn 79.000 tỷ đồng, giảm hơn 19% so với đầu năm. Ngân hàng này không giải trình chi tiết về thay đổi dư nợ, nhưng phần thuyết minh cho biết thêm thay đổi chủ yếu ở nợ vay ngắn hạn (giảm từ 56.900 tỷ xuống 41.200 tỷ đồng).

Theo nhóm phân tích Công ty chứng khoán SSI (SSI Research), tăng trưởng tín dụng thấp đầu năm phản ánh nhu cầu tín dụng yếu của nền kinh tế.

Ngoại trừ cho vay bất động sản (tăng 1,52%) và các ngành liên quan đến chứng khoán (tăng 2,56%), còn lại hầu hết các ngành đều đang gặp khó khăn, đặc biệt là cho vay tiêu dùng (giảm 1,77%). "Điều này giải thích tại sao tiêu dùng trong nước chưa hồi phục trong hai tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, tình hình đã có xu hướng cải thiện trong tháng 3", SSI Reseach nhận xét.

Trong đó, dòng tín dụng vào ngành bất động sản tiếp tục mở rộng do nhu cầu vốn của các chủ đầu tư vẫn ở mức cao, với nhu cầu tái cơ cấu khoản vay.

"Nếu loại trừ lô trái phiếu An Đông (liên quan đến Vạn Thịnh Phát), ước tính lượng trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng đáo hạn trong 2 tháng đầu năm vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng các hoạt động tái cơ cấu khoản vay có thể làm hạn chế việc ghi nhận nợ xấu trong các quý tới", nhóm phân tích đánh giá./.