Thanh Huyền 20 giờ trước
Người theo dõi

Lãnh đạo UBCKNN: "Còn quá sớm để khẳng định thỏa thuận thuế quan tác động tích cực lên thị trường chứng khoán"

Ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (NBCKNN) – cho rằng thỏa thuận thuế quan mới giữa Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ có tác động, nhưng hiện nay còn quá sớm để khẳng định các tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.

Ông Bùi Hoàng Hải - Phó Chủ tịch UBCKNN

Phát biểu tại Hội nghị đầu tư Techcombank 2025 sáng 9/7, ông Bùi Hoàng Hải cho rằng các mức thuế quan đối ứng mà Mỹ dự định áp dụng sẽ làm tăng chi phí tiêu dùng trong nước, giảm nhu cầu nhập khẩu. Đây cũng là lý do Tổng thống Donald Trump nhiều lần trì hoãn việc áp thuế.

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, lãnh đạo UBCKNN cho biết mức độ mở với thế giới hiện nay rất lớn, đứng thứ 2 sau Singapore. Do đó, bất kỳ biến động nào về thương mại toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Dù vậy, cần lưu ý rằng khối doanh nghiệp FDI – vốn chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam – lại không có nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Do đó, mức độ tác động đến thị trường chứng khoán có thể bị lu mờ.

Về diễn biến thị trường, ông Hải cho biết thời gian gần đây có nhiều tín hiệu tích cực: VN-Index vượt 1.400 điểm lần đầu sau 3 năm, thanh khoản bùng nổ lên gần 30.000 tỷ đồng/phiên, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tới 7.000 tỷ đồng trong 5 phiên.

Tuy nhiên, theo ông Hải, nhà đầu tư cần thận trọng khi cho rằng toàn bộ sự tích cực này là do thỏa thuận thuế quan. Việt Nam tuy được áp mức thuế thấp hơn nhiều quốc gia khác, nhưng còn phải chờ thêm thông tin cụ thể về quy tắc xuất xứ và điều kiện áp dụng.

"Hiện tại, chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, không có sản phẩm sản xuất chỉ ở một quốc gia. Việc xác định sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam hay nước thứ ba sẽ rất quan trọng để đánh giá lợi ích thực sự”, ông Hải nói.

Việt Nam có nhiều dư địa để bứt phá

Cũng tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương – cho rằng dù chính sách thuế quan của các nền kinh tế lớn như Mỹ tạo ra không ít thách thức, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để bứt phá.

Bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương - phát biểu tại Hội nghị đầu tư Techcombank 2025

Trước hết là nhờ quá trình hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò trung tâm sản xuất toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài thị trường đơn lẻ.

Bên cạnh đó, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đang mở ra các dư địa phát triển mới, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, thương mại điện tử và công nghệ số.

“Luật Công nghiệp Công nghệ số dự kiến được thông qua trong thời gian tới sẽ tạo khung pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, bà Thắng cho biết.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết Việt Nam có 3 lợi thế cạnh tranh cốt lõi: nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao; vị trí địa lý chiến lược; và mạng lưới 16 FTA giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đây là nền tảng để Việt Nam giữ vững vị thế là điểm đến đáng tin cậy trong bối cảnh địa chính trị và chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái định hình./.

Chia sẻ
Báo cáo
Thanh Huyền Người dùng
Crypto Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên