“Lá bài” LNG trong đàm phán thương mại Mỹ - châu Âu
12:34 13/11/2024
Xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) đang nổi lên như một “lá bài” thương thảo trong thỏa thuận thuơng mại tiềm năng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.
Theo đó, Mỹ có thể tăng cường xuất khẩu năng lượng sang châu Âu để đổi lấy việc Tổng thống đắc cử Donald Trump không áp thuế quan mạnh tay lên hàng hóa châu Âu xuất khẩu sang Mỹ.
Tờ Financial Times dẫn nguồn tin, giới chức châu Âu đã nói rằng việc tăng cường nhập khẩu LNG từ Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp khu vực này chấm dứt sự phụ thuộc đã kéo dài nhiều thập kỷ vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga, đồng thời cũng giúp giải tỏa mối lo của ông Donald Trump về thâm hụt thương mại của Mỹ với EU.
Đối với các nhà sản xuất LNG Mỹ, việc thị trường châu Âu mở rộng - cùng với lời hứa của ông Trump về dỡ bỏ lệnh tạm dừng cấp phép xuất khẩu LNG đối với các dự án mới ngay khi ông lên cầm quyền - có thể mang tới cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ trong 4 năm tới.
“Chúng tôi mong được làm việc với chính quyền ông Trump khóa tới để củng cố địa vị của nước Mỹ là nhà cung cấp LNG sạch hàng đầu thế giới”, CEO Michael Sabel của Venture Global, một nhà phát triển LNG hàng đầu của Mỹ, nhận định.
“Trong những năm gần đây, châu Âu đã dịch chuyển nhanh chóng để xây dựng hạ tầng cần thiết đáp ứng việc nhập khẩu LNG tăng mạnh. Đồng thời, với sự hỗ trợ chính sách và đảm bảo pháp lý, Mỹ đang có được vị thế tốt để đáp ứng nhu cầu LNG dài hạn đó của châu Âu”, ông Sabel nói.
Các nhà sản xuất LNG Mỹ đang kỳ vọng rằng nỗ lực của EU nhằm “cai” khí đốt Nga sẽ được đẩy mạnh thời chính quyền Trump 2.0. Giá cổ phiếu các công ty LNG ở Mỹ, vốn là những nhà cung cấp lớn nhất thế giới loại năng lượng này, đã tăng mạnh trong tuần qua.
Ông Mike Sommers, Giám đốc điều hành Viện Dầu khí Mỹ (API), phát biểu: “Tôi kỳ vọng rằng lệnh tạm dừng cấp phép xuất khẩu LNG sẽ chấm dứt ngay trong vài ngày đầu tiên của chính quyền mới”.
Lệnh tạm dừng cấp giấy phép mới cho xuất khẩu LNG được chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra trong lúc Bộ Năng lượng nước này đang tiến hành phân tích chi phí và lợi ích trong sự tăng trưởng của ngành.
Nguồn cung khí đốt qua đường ống từ Nga sang châu Âu đã giảm mạnh sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra, và để bù đắp sự sụt giảm đó, EU đã tăng cường nhập khẩu LNG từ khắp nơi trên thế giới. Theo công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Mỹ là nhà cung cấp LNG chính của EU và hiện chiếm khoảng 40% lượng nhập khẩu loại nhiên liệu này của EU./.
Nguồn tham khảo: VnEconomy