Bùi Xuân Bách Thứ Năm, 18/7/2024, 9:16 (GMT+7)
Người theo dõi

KIS Việt Nam: "Gánh" nợ 5.600 tỷ đồng nhưng hạch toán chi phí lãi vay chưa đến "bạc tỷ", báo cáo LCTT hé lộ bất ngờ

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy KIS Việt Nam đã "dốc" trăm tỷ đồng trả chi phí lãi vay trong nửa đầu năm 2024. Ấy vậy, tại báo cáo kết quả kinh doanh, “chi phí lãi vay” được họ hạch toán chưa tới "bạc tỷ".

CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS Việt Nam) mới công bố báo cáo tài chính quý II/2024, trong đó cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nguồn vốn vay ngắn hạn.

Cụ thể, dư nợ vay ngắn hạn của công ty chứng khoán này đã tăng vọt 48,3% so với đầu năm, lên mức 5.688,1 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của KIS Việt Nam có tăng trong cùng giai đoạn nhưng chậm hơn, đạt 5.555,7 tỷ đồng.

Biến động dư nợ vay ngắn hạn của KIS Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 (Nguồn: BCTC KIS Việt Nam)
Biến động dư nợ vay ngắn hạn của KIS Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 (Nguồn: BCTC KIS Việt Nam)

Áp lực trả lãi vay của KIS Việt Nam cũng gia tăng đáng kể, đồng pha với “núi nợ” tăng thêm.

Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ (được lập theo phương pháp gián tiếp), công ty chứng khoán này đã trả 108,25 tỷ đồng chi phí lãi vay trong nửa đầu năm 2024, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, trên báo cáo kết quả kinh doanh, "chi phí lãi vay" được KIS Việt Nam hạch toán trong kỳ chỉ ở mức 0,64 tỷ đồng, "mỏng" đi đáng kể so mức 4,2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Theo Thông tư số 334/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 27/12/2016, chi phí lãi vay của các khoản đầu tư không liên quan đến các khoản cho vay (Mã số 06) - tại báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh (hay gọi tắt là "báo cáo lưu chuyển tiền tệ") theo phương pháp gián tiếp - phản ánh chi phí lãi vay của các khoản đầu tư không liên quan đến các khoản cho vay đã ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động trong kỳ báo cáo. Số liệu được ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các Tài khoản 6352 sau khi đối chiếu với chỉ tiêu “chi phí lãi vay” trong Báo cáo kết quả hoạt động. 

Phần lớn nguồn lực – được hình thành chủ yếu từ vốn vay – được KIS Việt Nam “tài trợ” cho hoạt động cho vay ký quỹ (cho vay margin), với giá trị đạt 7.855,6 tỷ đồng tại ngày 30/6 – vượt xa quy mô vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, ở một diễn biến kém khả quan, là nó đã giảm so với thời điểm cuối quý I.

Lãi từ các khoản cho vay và phải thu là “điểm sáng” trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của KIS Việt Nam, với giá trị đạt 312,2 tỷ đồng, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.

Về hoạt động tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của công ty đạt 674,7 tỷ đồng nhưng chi phí liên quan đến hoạt động này trong kỳ lên tới 528,7 tỷ đồng.

Nghiệp vụ môi giới chứng khoán – một “trụ cột” khác - cũng đem về 216,8 tỷ đồng doanh thu cho KIS Việt Nam. Trong khi, chi phí cho hoạt động này - cùng giai đoạn - đạt mức 158 tỷ đồng.

KIS Việt Nam được thành lập vào tháng 12/2010 bởi Công ty TNHH Đầu tư và Chứng khoán Hàn Quốc (Korea Investment & Securities hay KIS Hàn Quốc) và Tập đoàn dệt may Việt Nam và các cổ đông khác.

Theo thời gian, KIS Hàn Quốc nâng dần tỷ lệ sở hữu tại KIS Việt Nam lên mức chi phối, hiện nắm giữ tới 99,8% vốn điều lệ./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên