“Quy tắc Sahm” – chỉ báo suy thoái còn đáng tin cậy?
Dữ liệu việc làm tháng 7 của Mỹ (Ảnh: CNBC)
Báo cáo việc làm tháng 7 của Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, điều này đã kích hoạt một tín hiệu cảnh báo suy thoái, gọi là "quy tắc Sahm".
Cụ thể, theo quy tắc này, suy thoái kinh tế thường bắt đầu khi tỷ lệ thất nghiệp tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong mười hai tháng trước. Trong tháng trước, “chỉ báo” này đã ghi nhận mức tăng 0,53 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, “quy tắc Sahm” thường phản ánh sau 2-3 tháng khi suy thoái đã bắt đầu. Nếu “quy tắc Sahm” được kích hoạt trong năm nay, kinh tế Mỹ có lẽ đã đạt đỉnh vào tháng 4.
Tuy vậy, các chỉ số sản xuất công nghiệp hay tiêu dùng cá nhân – thường được dùng để đo lường sức khỏe kinh tế Mỹ - vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định trong các tháng vừa qua. Nếu có suy thoái, các chỉ số này lẽ ra đã giảm mạnh.
Làn sóng sa thải tại Mỹ
Làn sóng sa thải tại Mỹ (Nguồn: Fed, Commerzbank Research)
Nghiên cứu mới nhất của Commerzbank vẫn chưa ghi nhận làn sóng sa thải trên thị trường lao động Mỹ.
Dữ liệu việc làm tháng 7 có thể đã bị ảnh hưởng bởi Cơn bão Beryl - đổ bộ đúng vào tuần mà báo cáo việc làm được thu thập. Để có cái nhìn rõ ràng hơn, cần phải đợi báo cáo tiếp theo.
Mặt khác, theo Commerzbank, tỷ lệ thất nghiệp tăng chủ yếu vì có nhiều người tìm việc hơn, một phần do nhập cư tăng.
Dù vậy, số lượng việc làm trong tháng 7 không giảm mà ngược lại, tăng thêm 114.000 việc làm - một con số không nhỏ khi so với dự báo nhân khẩu học dài hạn.
Theo dự báo dài hạn, mỗi tháng cần khoảng 80.000 đến tối đa 100.000 việc làm mới để đáp ứng nhu cầu việc làm của dân số tăng trưởng.
Dù sao đi nữa, thị trường lao động không phải là nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế. Điều này chỉ phản ánh hậu quả của suy thoái thông qua việc giảm việc làm và tăng tỷ lệ thất nghiệp.
Khu vực tư nhân Mỹ đã kiểm soát được nợ
Nợ khu vực tư nhân của Mỹ đã giảm đáng kể hậu đại dịch (Nguồn: Fed, Commerzbank Research)
Nợ quá mức của các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp thường liên quan đến bong bóng tài sản. Tuy nhiên, dữ liệu hiện tại không chỉ ra điều này.
Tỷ lệ nợ của hộ gia đình so với GDP đã giảm liên tục từ mức cao 98% GDP năm 2008 xuống còn 71% hiện nay.
Nợ doanh nghiệp cũng đã giảm sau khi tăng đột biến trong đại dịch COVID-19, và hiện tại chiếm khoảng 75% GDP, tương đương mức của năm năm trước.
Lãi suất thực đã tăng đáng kể - có đáng lo?
Nguồn: Fed, Commerzbank research
Các cuộc suy thoái tại Mỹ thường được kích hoạt bởi những đợt tăng lãi suất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Điều này thường xảy ra khi lãi suất thực vượt qua mức trung lập – ám chỉ mức lãi suất mà tại đó chính sách tiền tệ không kích thích cũng không làm chậm lại nền kinh tế.
Lãi suất thực được tính bằng lãi suất mục tiêu của quỹ liên bang trừ đi tỷ lệ lạm phát lõi dựa trên chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), tính bằng phần trăm (%).
Trong giai đoạn từ tháng 3/2022-7/2023, Fed đã nâng lãi suất tổng cộng 525 bps. Theo Commerzbank, lãi suất thực của Mỹ hiện ở mức 2,9% (5,5% lãi suất chủ chốt trừ đi mức lạm phát 2,6%), cao hơn mức trung lập là 1,2%. Kinh tế Mỹ đã chứng kiến những diễn biến tương tự vào năm 1984 và 1995 nhưng không dẫn đến suy thoái.
Dữ liệu lạm phát
Dữ liệu lạm phát tại Mỹ (Nguồn: CNBC)
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - một thước đo lạm phát chính của Mỹ - tăng 0,2% trong tháng 7, và tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu so với cùng kỳ, CPI Mỹ tăng 2.9%, thấp hơn dự báo 3% của các chuyên gia kinh tế. Đây cũng là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021.
CPI lõi - không bao gồm các mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng - tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ. Hai con số này đều khớp kỳ vọng.
Với báo cáo lạm phát tích cực này, nhiều nhà phân tích cho rằng Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 9./.