Trọng Hiếu Thứ Sáu, 6/9/2024, 21:34 (GMT+7)
Người theo dõi

Kinh tế khởi sắc, niềm tin của doanh nghiệp tăng đột biến

Doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng đột biến trong tám tháng qua với hơn 25%, cho thấy sự gia tăng niềm tin vào các tín hiệu kinh tế tích cực.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực trong tháng 8 và tám tháng đầu năm nay, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Sản xuất công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng

Sản xuất công nghiệp tiếp tục là động lực chính của nền kinh tế, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng qua, chỉ số này tăng 8,6%.

Ngành chế biến, chế tạo – trụ cột quan trọng nhất của công nghiệp Việt Nam trong năm nay – ghi nhận mức tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, với các ngành như cao su và nhựa tăng 29,5%, dệt may tăng 13,4%, và sản xuất kim loại tăng 13,2% nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng.

Xuất khẩu tăng mạnh

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 37,6 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu trong tám tháng đầu năm nay lên 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Các mặt hàng chủ lực như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu, khẳng định vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 giảm 2,4%, xuống còn 33 tỷ USD. Sự sụt giảm nhập khẩu cho thấy tín hiệu về sự chững lại trong nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước đối với nguyên liệu và thiết bị đầu vào trong tháng vừa qua. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu tám tháng đầu năm nay vẫn đạt 246 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Điều này giúp duy trì xuất siêu 19 tỷ USD trong tám tháng đầu năm.

Doanh nghiệp quay lại tăng đột biến

tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tám tháng đầu năm nay đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng mạnh 25% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, báo cáo vào cuối tháng 7 của Tổng cục Thống kê, con số này chỉ tăng nhẹ gần 5%.

Tín hiệu này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng phát triển của nền kinh tế tăng mạnh.

Thêm nữa, trong khoảng thời gian này, cả nước có khoảng 168,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng mạnh gần 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường khoảng 135,3 nghìn doanh nghiệp. Đáng chú ý, con số này so với cùng kỳ năm trước ngày càng thu hẹp mức tăng chỉ còn 8,5% thay vì hơn 11% như trong tháng Bảy.

Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu

Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 ổn định, với mức tăng 1,89% so với cuối năm ngoái. Áp lực lạm phát vẫn là mối lo ngại, đặc biệt từ các nhóm lương thực, thực phẩm và dịch vụ y tế.

Trong 11 nhóm hàng hóa và tiêu dùng chính, chỉ có nhóm giao thông ghi nhận chỉ số giá giảm, giúp kiềm chế lạm phát. Điều này là nhờ giá xăng dầu trong nước giảm mạnh, với giá xăng giảm gần 6% và giá dầu diesel giảm 7%, phù hợp với xu hướng trên thị trường thế giới.

Áp lực cũng được thể hiện qua chỉ số lạm phát cơ bản, dù đã loại trừ các yếu tố biến động lớn như thực phẩm và năng lượng, vẫn tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn tham khảo: TheLEADER

Chia sẻ
Báo cáo
Trọng Hiếu Người dùng
Crypto Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên