Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Khu công nghiệp là gì? Có mấy loại khu công nghiệp?

18:39 14/11/2024

Khu công nghiệp không chỉ là phương tiện chính để thu hút đầu tư từ quốc tế mà còn là giải pháp giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp, qua đó góp phần cải thiện nền kinh tế của địa phương và quốc gia. Vậy có những loại hình khu công nghiệp nào và cần những điều kiện nào để thành lập khu công nghiệp? Hãy cùng DFF.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khu công nghiệp là gì?

Theo Khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, khu công nghiệp là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và cung ứng dịch vụ cho sản xuất công nghiệp.

Tại Việt Nam, tính đến đầu tháng 4/2024, cả nước có tổng cộng 418 khu công nghiệp (KCN) đã thành lập, bao gồm 371 KCN nằm ngoài các khu kinh tế (KKT), 39 KCN nằm trong các KKT ven biển, 8 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu. Nổi bật trong số đó có thể kể đến như: KCN VSIP, KCN Quế Võ, KCN Thuận Thành, ...

Có mấy loại khu công nghiệp?

Theo Điều 2 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, có các khu công nghiệp sau:

- Khu chế xuất:

+ Là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu;

+ Được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Khu công nghiệp hỗ trợ:

+ Là khu công nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;

+ Có tối thiểu 60% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định của pháp luật về phát triển công nghiệp hỗ trợ.

- Khu công nghiệp chuyên ngành:

+ Là khu công nghiệp chuyên sản xuất và cung ứng dịch vụ cho sản xuất sản phẩm thuộc một ngành, nghề cụ thể;

+ Có tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề này.

- Khu công nghiệp sinh thái:

+ Là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp;

+ Đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định 35/2022/NĐ-CP.

- Khu công nghiệp công nghệ cao:

+ Là khu công nghiệp thu hút các:

Dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ thông tin thuộc Danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ,

Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, giáo dục và đào tạo.

+ Có tối thiểu 30% diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp được sử dụng để thu hút các dự án đầu tư này.

- Khu công nghiệp mở rộng:

+ Là khu vực khu công nghiệp được hình thành thông qua việc tăng quy mô diện tích của khu công nghiệp đã được thành lập trước đó.

+ Phần diện tích mở rộng của khu công nghiệp có ranh giới liền kề hoặc lân cận và có thể kết nối, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật với khu công nghiệp đã được thành lập.

Vai trò của khu công nghiệp

+ Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước: KCN là nam châm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn nước ngoài – FDI (Foreign Direct Investment). Nguồn lực tài chính tập trung đổ về các KCN giúp đáp ứng tiêu chí về địa lý, giao thông và dịch vụ hạ tầng.

+ Kích thích các doanh nghiệp phát triển: Các doanh nghiệp trong nước áp dụng công nghệ chuyển giao từ các doanh nghiệp FDI đã tạo nên động lực to lớn kích thích sự phát triển vượt trội của quá trình công nghiệp hóa, giúp nền kinh tế quốc gia dần chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại.

+ Đẩy mạnh phát triển các ngành mũi nhọn: KCN có tác động lớn tới dịch chuyển cơ cấu kinh tế với tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm đa số so với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản

+ Tạo công ăn việc làm cho người dân: KCN có nhu cầu về nguồn nhân lực lớn. Điều này giúp dẫn tới tạo một lượng lớn việc làm và giảm được tỷ lệ thất nghiệp đáng kể trong khu vực địa phương.

+ Thúc đẩy hiện đại hóa kết cấu hệ thống hạ tầng và phát triển đô thị mới: Dịch vụ phụ trợ cùng kỹ thuật hạ tầng trong khu vực KCN được yêu cầu có phát triển song song. Sự thay đổi này giúp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị tại Việt Nam.

Điều kiện thành lập Khu công nghiệp

Căn cứ theo Khoản 6 Điều 6 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, thì Khu công nghiệp được xác định là đã được thành lập kể từ ngày cấp có thẩm quyền:

a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư.

=> Như vậy, để Khu công nghiệp được thành lập thì cần phải có dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp.

Theo điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP, điều kiện để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp được quy định:

(1) Phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt;

(2) Khu công nghiệp phải được phân kỳ đầu tư theo quy định của pháp luật;

(3) Dành tối thiểu 5 ha đất công nghiệp hoặc tối thiểu 3% tổng diện tích đất công nghiệp của khu công nghiệp (bao gồm cả nhà xưởng, văn phòng, kho bãi) để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, các doanh nghiệp khác thuộc diện được ưu tiên, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật thuê đất, thuê lại đất.

(4) Có khả năng đáp ứng các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(5) Tại thời điểm trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án hạ tầng khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về đầu tư công hoặc nộp hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hợp lệ theo quy định của pháp luật về đầu tư, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt tối thiểu là 60%, trừ một số trường hợp cụ thể theo luật định

(6) Có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp hoặc cụm các khu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Đừng quên theo dõi Cẩm nang nhà đất  trên DFF.VN để cập nhật nhiều kiến thức bổ ích hơn nhé!