Mai Hương Thứ Tư, 11/12/2024, 18:00 (GMT+7)
Người theo dõi

Không gia hạn Thông tư 02 là một bước hạ màn để thị trường bớt đoán

Theo chuyên gia Lê Hoài Ân, việc không gia hạn Thông tư 02 được xem là một dấu hiệu tích cực bởi vì điều này sẽ giúp cho các nhà đầu tư nhìn rõ hơn về chất lượng tài sản của các ngân hàng.
Không gia hạn Thông tư 02 là một bước hạ màn để thị trường bớt đoán

Không gia hạn Thông tư 02 là một bước hạ màn để thị trường bớt đoán

Tại toạ đàm trực tuyến Data Talk tháng 12 với chủ đề “Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025”, chuyên gia kinh tế Lê Hoài Ân, Founder IFSS, cho rằng nhiều khả năng nhà điều hành sẽ không tiếp tục gia hạnThông tư 02 về cơ cấu nợ các ngân hàng. Theo ông, đây được xem là một dấu hiệu tích cực.

Ông Ân cho hay Thông tư 02 được ban hành trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn vào đầu năm 2023 so với đầu năm 2022, rất nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt nhưng có dấu hiệu mất thanh khoản, kinh doanh tạm thời khó khăn.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn các ngân hàng trách được nguy cơ chi phí trích lập dự phòng tăng cao, hạn chế ghi nhận nợ xấu.

"Thông tư 02 là một biện pháp trì hoãn, để cho thị trường có thời gian phục hồi và điều chỉnh. Theo đó, cho ngân hàng thời gian trích lập, cơ cấu lại, đánh giá bơm tín dụng thêm cho doanh nghiệp, theo đó cả xã hội đã có thời gian gần hai năm để chuẩn bị khơi thông dòng vốn", ông Ân nhận định.

Đối với những doanh nghiệp không bị dịch chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02, nhưng vẫn trích lập dự phòng, theo đó chi phí trích lập trong hai năm vừa qua vẫn được ghi nhận, do đó nợ xấu không phải tăng một cách đột ngột như thông tư hết hạn.

Theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 4,55%, tăng 8,6% so với đầu năm, gần bằng mức cuối năm 2023, tăng so với mức 2% của năm 2022. 9 tháng đầu năm, báo cáo tài chính từ 29 ngân hàng cho thấy số dư nợ xấu tiếp tục tăng 27,9% so với cuối năm 2023 lên mức 259.186 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 2,3%.

Thống kê cho thấy có 28/29 ngân hàng ghi nhận số dư nợ xấu đi lên so với cuối năm ngoái, trong đó tăng nhiều nhất là hai ông lớn quốc doanh BIDVVietinBank. Có những nhà băng tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng vượt ngưỡng 3%. Ở chiều ngược lại, chỉ có duy nhất một ngân hàng là OCB ghi nhận số dư nợ xấu giảm 5% xuống 6.540 tỷ đồng.

Phân tích thêm về câu chuyện cổ phiếu ngân hàng, ông Ân cho biết "các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không thích câu chuyện Thông tư 02 do không thể biết rõ chính xác được ngân hàng nào trích lập đúng, ngân hàng nào trích lập không đúng.

Do đó, nhiều nhà đầu tư đã bán bớt cổ phiếu ngân hàng khi họ thấy rủi ro, dẫn tới cổ phiếu ngân hàng được định giá thấp so với mặt bằng chung, nhiều công ty chứng khoán định giá (P/B) các ngân hàng thấp chưa tới 1,5%", ông Ân chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, chuyên gia đánh giá chất lượng lợi nhuận ngân hàng đang khá yếu, đồng thời không thể biết được các ngân hàng đang trích lập thận trọng hay không thận trọng. "Do đó những thông tư như thế này đang mở đường cho việc trích lập dự phòng duy ý chí của các ngân hàng, dẫn đến hệ số P/B bị đè nén", ông cho hay.

"Cái gì tốt sẽ tiếp tục tốt nữa, tận dụng được cái xu hướng vĩ mô, cái gì xấu thì xấu tiếp, Thông tư 02 không gia hạn được xem là một bước hạ màn để cho thị trường bớt đoán, đoán quá thì sẽ đưa một cái "risk premium" vào phần bù rủi ro. Do đó, Thông tư 02 không gia hạn có thể được xem là một dấu hiệu tích cực ", ông Ân nhấn mạnh.

Không gia hạn Thông tư 02 là một bước hạ màn để thị trường bớt đoán (Ảnh: NVCC)

Nguồn: Doanh nhân Việt Nam

Chia sẻ
Báo cáo
Mai Hương Người dùng
Tài chính Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên