Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Kho bạc Nhà nước rút hơn 110.000 tỷ khỏi 3 nhà băng "Big4" trong quý 3/2024

14:27 03/11/2024

Tính đến cuối tháng 9, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV là 175.596 tỷ đồng, giảm 40% so với quý trước.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã CK: BID) vẫn là nhà băng được Kho bạc Nhà nước gửi nhiều tiền nhất. Số dư tiền gửi mà nhà quản lý gửi vào BIDV đến cuối tháng 9 là 74.645 tỷ đồng, gấp gần 4 lần số dư hồi đầu năm (ở mức 19.338 tỷ đồng).

Trong số này, có hơn 73.000 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn và 1.382 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn. Nếu so với cuối quý 2, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đặt tại BIDV đã giảm gần 38%.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CK: CTG) là ngân hàng được Kho bạc Nhà nước gửi tiền nhiều thứ hai trong 3 nhà băng quốc doanh đã công bố báo cáo tài chính.

Trong đó, số dư tiền gửi của cơ quan này vào VietinBank tính tới cuối quý 3 đạt 65.310 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cuối năm ngoái (ở mức 21.047 đồng). Tuy nhiên, nếu so với quý liền trước, số dư tiền gửi này cũng đã giảm tới 39%, tương ứng mức giảm ròng hơn 42.000 tỷ đồng.

Trong quý 3, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã CK: VCB) ghi nhận số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đạt 35.641 tỷ đồng. Trong số này 34.229 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn, 1.412 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn (đã gộp tiền gửi bằng VND và ngoại tệ).

Đầu năm, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank chỉ đạt gần 770 tỷ đồng, sau đó vọt tăng mạnh lên 62.534 tỷ đồng vào cuối quý 2 và giảm gần một nửa vào quý 3.

Trước đó, tại thời điểm cuối quý 2, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng quốc doanh BIDV, VietinBank và Vietcombank lên tới trên 290.500 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng, số dư tiền gửi của cơ quan quản lý kho bạc vào 3 đơn ngân hàng này đã giảm tới hơn 114.900 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 40%.

Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là nguồn hỗ trợ thanh khoản đáng kể cho các ngân hàng, giúp những nhà băng này không chịu quá nhiều áp lực huy động vốn từ khách hàng. Đây cũng là một trong những lý do giúp mặt bằng lãi suất huy động của nhóm ngân hàng quốc doanh thường xuyên thấp hơn so với mặt bằng chung.

Tuy nhiên, khoản tiền gửi này lại thường xuyên biến động mạnh chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động vốn trái phiếu Chính phủ của cơ quan quản lý./.

Nguồn tham khảo: Znews