Cú sốc cho ngành tiền số
Ngày 21/11, thị trường tiền số gần như "bùng nổ" trước tin tức tỷ phú Changpeng Zhao, nhà sáng lập và điều hành sàn tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance, nhận tội vi phạm luật chống rửa tiền của Mỹ và từ chức CEO. Binance cũng bị phạt 4,3 tỷ USD với cùng cáo buộc, trong đó 2,5 tỷ USD bị tịch thu và 1,8 tỷ USD tiền nộp phạt.
Đây là một trong những hình phạt doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử Mỹ, đồng thời là một đòn giáng vào ngành công nghiệp tiền điện tử đang bị các nhà quản lý điều tra gắt gao sau vụ lừa đảo của người sáng lập FTX Sam Bankman-Fried.
Vụ kiện chống lại Binance được mở ra với 3 cáo buộc hình sự cho sàn giao dịch này, bao gồm tiến hành hoạt động kinh doanh chuyển tiền không có giấy phép, vi phạm Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế và thông đồng rửa tiền.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một thông cáo hôm 21/11, Binance cho phép thực hiện hơn 100.000 giao dịch hỗ trợ các hoạt động như khủng bố và ma túy bất hợp pháp, cũng như cho phép hơn 1,5 triệu giao dịch tiền ảo vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Sàn giao dịch tiền điện tử này này cũng cho phép các giao dịch liên quan đến các nhóm bị Mỹ coi là khủng bố như Lữ đoàn Al-Qassam của Hamas, Hồi giáo Palestine Jihad, al-Qaida và ISIS, theo bà Yellen, đồng thời lưu ý rằng Binance “chưa bao giờ báo cáo hoạt động đáng ngờ nào”.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland thì cho rằng "Binance ưu tiên lợi nhuận của mình hơn là sự an toàn của người dân Mỹ", nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ để vi phạm pháp luật là hành vi phạm tội.
“Binance đã trở thành sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới một phần vì những tội ác mà nó đã gây ra – giờ đây nó phải trả một trong những hình phạt doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử Mỹ”, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland cho biết.
Theo một tài liệu dài 92 trang giữa Binance và Mạng lưới thực thi tội phạm tài chính của Kho bạc (FinCen), sàn giao dịch tiền điện tử “thậm chí đã phát triển một quy trình để thông báo cho người dùng VIP nếu họ trở thành đối tượng của cuộc điều tra thực thi pháp luật”.
Giá của các loại tiền điện tử lớn bao gồm Bitcoin (BTC) và Binance Coin đã giảm mạnh sau thông tin về vụ việc của Binance. Theo đó, chiều 21/11 (giờ Mỹ), Bitcoin giảm 1,5% xuống quanh ngưỡng 37.000 USD, Ethereum giảm 2,5% xuống dưới ngưỡng 2.000 USD.
Binance Coin, token gốc của sàn giao dịch, đã giảm 6,3% xuống còn 242 USD, theo dữ liệu của CoinDesk.
Cổ phiếu tiền điện tử cũng không tránh khỏi sụt giảm. Cổ phiếu của Coinbase Global, sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất ở Mỹ, giảm 0,7%.
Quá khứ "huy hoàng"
Kể từ khi thành lập vào năm 2017, Binance đã đạt thành tích "vô tiền khoáng hậu" trong lĩnh vực tiền điện tử, quản lý hơn 12 tỷ USD trong các giao dịch hàng ngày và hỗ trợ giao dịch hơn 500 loại tiền điện tử. Với cơ sở người dùng vượt quá 15 triệu trên toàn cầu và hoạt động tại hơn 180 quốc gia, Binance nắm giữ khoảng 40% thị phần sàn giao dịch tiền điện tử toàn cầu.
Vào tháng 11/2022, khi sàn giao dịch FTX sụp đổ, thị phần của Binance có lúc chiếm hơn 60% trên toàn thế giới, nhưng sau đó thị phần tổng hợp đối với tiền điện tử giao ngay và các công cụ phái sinh đã giảm xuống dưới 44% trong tháng này, theo nhà nghiên cứu CCData.
Ngoài ra, mã token của công ty, BNB, đã đạt được mức vốn hóa thị trường là 40 tỷ USD ngay trước khi có thông tin về vụ bê bối.
Người sáng lập Changpeng Zhao (CZ) cũng là một trong những "công thần" tạo dựng nên sự phát triển của hệ sinh thái tiền ảo ngày nay và có ảnh hưởng sâu sắc trong thị trường này. Vào thời điểm FTX sụp đổ và thị trường rơi vào "vùng trũng" với các cuộc điều tra liên tiếp nhắm tới các công ty tiền điện tử, tỷ phú người Canada gốc Hoa này được nhiều người coi như "người hùng" khi tuyên bố sẽ đầu tư hàng tỷ USD để vực dậy thị trường.
Mặc dù giá trị tài sản ròng giảm sút trong thời gian gần đây nhưng ông vẫn là một nhân vật quan trọng với tư cách là một doanh nhân và một nhân vật truyền thông. Là cổ đông lớn nhất của Binance, CZ đã có ảnh hưởng đáng kể đến chiến lược tăng trưởng của sàn giao dịch và thị trường tiền điện tử nói chung. Những nỗ lực gần đây của ông nhằm điều chỉnh Binance phù hợp với các tiêu chuẩn quy định toàn cầu đã đánh dấu một sự thay đổi chiến lược trong cách tiếp cận của công ty, vốn có phần không rõ ràng trong những năm trước.
Tương lai nào cho Binance?
Bản án chống lại sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới và nhà lãnh đạo hàng đầu của nó đại diện cho một trong những hình phạt lớn nhất được áp dụng trong ngành công nghiệp tiền điện tử, vốn đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ từ Bộ Tư pháp Mỹ, các cơ quan chính phủ và nhà lập pháp khác.
Binance, một trong những công ty tiền điện tử thành công nhất trên thế giới, hiện có thể phải đối mặt với sự giám sát sâu hơn từ các cơ quan quản lý và có thể mất thị phần vào tay các đối thủ cạnh tranh.
Ngoài các hình phạt tài chính, thỏa thuận giải quyết cũng yêu cầu Binance thực hiện một số thay đổi trong hoạt động kinh doanh của mình. Thỏa thuận giải quyết này là dấu hiệu cho thấy các cơ quan quản lý của Mỹ đang có lập trường cứng rắn đối với các công ty tiền điện tử.
Không chỉ vậy, việc CEO công ty từ chức cũng là một đòn giáng mạnh vào Binance và những hoạt động trong tương lai của công ty.
Jaime Merino, một nhà giao dịch bán lẻ điều hành một trong những các kênh YouTube giao dịch tiền điện tử ở Mỹ Latinh, nhận định: “Nếu CZ từ chức, Binance sẽ sụp đổ. Họ đứng đầu nhờ CZ và nếu không có anh ấy, mọi người sẽ tìm kiếm các sàn giao dịch khác”.