Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp (Ảnh: VGP)
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT cùng 2 thành phố khẩn trương rà soát nội dung từng cơ chế chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn.
Trong đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu phân nhóm chính sách chung dành cho cả 2 thành phố (bao gồm cả những chính sách mới chỉ thực hiện ở TP. Hà Nội hoặc TPHCM) và nhóm chính sách riêng cho từng thành phố.
Phó Thủ tướng giao TP Hà Nội và TP. HCM đề xuất cụ thể về cơ chế chính sách phân cấp trình tự thủ tục phê duyệt dự án, quyết định chủ trương đầu tư, vốn đầu tư, điều chỉnh quy hoạch… bảo đảm rút ngắn trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công xây lắp, sớm hoàn thành các dự án, trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bộ GTVT, 2 thành phố phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện Tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 2/2025.
Tại cuộc họp, lãnh đạo TP Hà Nội, TP HCM cho biết hai địa phương đang khấn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để phát triển mạng lưới đường sắt đô thị.
Các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù sẽ tập trung vào 5 nhóm, gồm: Huy động nguồn vốn; rút ngắn tiến độ, phát triển đô thị theo hướng tuyến giao thông (TOD); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; các chính sách khác. Trong đó, hai thành phố đề xuất 13 chính sách chung, TP Hà Nội có 6 chính sách riêng, TP HCM có 17 chính sách riêng.
Về phía TP HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP kiến nghị áp dụng trình tự thủ tục rút gọn khi xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội (sẽ rút ngắn 5 - 6 tháng), đồng thời phân cấp cho TP HCM lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường sắt, quyết định chủ trương đầu tư.
Với Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông kiến nghị một số nhóm chính sách đặc thù như: Không thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đường sắt đô thị; thu hồi đất song song với quá trình chuẩn bị đầu tư; lập quy hoạch phương án tuyến, vị trí công trình và khu vực TOD không cần đợi điều chỉnh các quy hoạch liên quan./.