Hoàng Giang Thứ Hai, 4/11/2024, 18:46 (GMT+7)
Người theo dõi

IPA chốt lời khoản đầu tư tại Eco Pharma - DN phân phối thực phẩm chức năng của ông chủ VNVC Ngô Chí Dũng

IPA 'chen chân' vào Eco Pharma từ sớm và đã nhận hàng chục tỷ đồng tiền lợi tức tại đây. Tuy nhiên, trong quý vừa rồi, họ đã sang tay khoản đầu tư tại ‘cỗ máy in tiền’ của ông chủ VNVC Ngô Chí Dũng.

Báo cáo tài chính quý 3/2024 của CTCP Tập đoàn Đầu tư I.P.A (Mã CK: IPA) cho thấy, tập đoàn của gia đình bà chủ VNDirect Phạm Minh Hương đã triệt thoái vốn khỏi CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma). 

Chi tiết thương vụ không được tiết lộ. Song, trong quý 3/2024, IPA đã ghi nhận khoản doanh thu tài chính cao đột biến so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 319,8 tỷ đồng. 

Trong đó, lãi chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính dài hạn đạt 100 tỷ đồng. Con số này cao gấp 11 lần giá trị sổ sách của khoản đầu tư vào Eco Pharma được IPA ghi nhận tại thời điểm cuối quý 2 (ở mức 9,2 tỷ đồng).

Nhà chủ VNDirect chốt lời Eco Pharma - DN chuyên bán sâm Alipas của ông chủ VNVC Ngô Chí DũngIPA đã chốt lời khoản đầu tư tại Eco Pharma - nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền sâm Alipas tại Việt Nam của ông chủ VNVC Ngô Chí Dũng

“Sâm Alipas Platinum – Tăng cường sinh lực phái mạnh. Nhanh hơn, bền vững hơn”; “Sâm Angela Gold – Khởi nguồn sức khỏe, sắc đẹp và sinh lý nữ”; “Jex Max – Giảm đau xương khớp, Tái tạo sụn và xương dưới sụn”; “Qik Hair – Thúc đẩy tế bào mầm tóc, Giảm rụng, mọc tóc chắc khỏe”; “Otiv – Cải thiện mất ngủ, đau nửa đầu, tăng cường trí nhớ”; “Lic – Giảm cân, giữ dáng, tự tin tỏa sáng”, “Wit – Bảo vệ võng mạc và thủy tinh thể”… 

Nếu là một người chịu xem vô tuyến, thì có lẽ bạn đã từng nghe và thấy những cụm từ này trên truyền thông. Ngày qua ngày, vào các khung giờ vàng, và trên sóng truyền hình quốc gia, rầm rộ trong giai đoạn 2017-2020. 

Đó cũng là thời kỳ doanh thu của Eco Pharma bứt tốc, tương xứng với độ chịu chi cho quảng bá sản phẩm. Dĩ nhiên, chi phí quảng cáo quá lớn cũng đem lại tác dụng phụ. Nó đã ‘bào mòn’ đáng kể lợi nhuận của Eco Pharma trong giai đoạn này.

Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2017-2019, Eco Pharma đem về chưa tới 100 tỷ đồng lợi nhuận. Dù rằng, doanh thu hàng năm của Eco Pharma trong giai đoạn này đều đạt trên 1.000 tỷ đồng và liên tục tăng trưởng ở mức hai chữ số.

Doanh nghiệp của nhà chủ VNDirect đầu tư vào Eco Pharma từ khá sớm, cụ thể là vào năm 2009. Tại thời điểm đó, Eco Pharma mới thành lập và đi vào hoạt động được 1 năm.

Sự mạo hiểm của giới chủ IPA đã được đền đáp. Từ khi rót vốn vào doanh nghiệp của ông trùm ngành dược Ngô Chí Dũng, IPA đã ‘bỏ túi’ hàng chục tỷ đồng tiền lợi tức. 

Tuy nhiên, hậu đại dịch, giai đoạn 2021-2023, báo cáo tài chính của IPA không còn ‘show’ khoản lợi tức đã nhận từ Eco Pharma. Khá trùng hợp, việc quảng bá các sản phẩm thực phẩm chức năng trong giai đoạn này của nhà phân phối sản phẩm sâm Alipas cũng thưa dần. 

Rất có thể ‘cỗ máy in tiền’ của ông Ngô Chí Dũng đã không còn ‘thơm’ như trước. Hoặc, cũng có khả năng, IPA đã tìm được đối tác mua lại lô cổ phần tại Eco Pharma với mức giá không thể chối từ.

Nhà chủ VNDirect chốt lời Eco Pharma - DN chuyên bán sâm Alipas của ông chủ VNVC Ngô Chí DũngÔng trùm ngành dược Ngô Chí Dũng - doanh nhân đứng sau Eco Pharma và chuỗi tiêm chủng VNVC

Từ Eco Pharma tới VNVC

Trước Eco Pharma, tên tuổi của ông Ngô Chí Dũng cũng ít nhiều được biết đến, nhưng là ở vai trò cũ – Tổng Giám đốc BV Pharma, qua nghi án tiêu cực của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. Vụ việc từng gây bão trên truyền thông và nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

‘Mảnh ghép’ VNVC hiện là cái tên nổi bật nhất trong hệ sinh thái của vị doanh nhân sinh năm 1974 lúc này.

CTCP Vacxin Việt Nam (viết tắt: VNVC) được thành lập vào cuối năm 2016, vận hành và phát triển hệ thống tiêm chủng VNVC tại nhiều địa phương.

Là cái tên tiên phong mở chuỗi tiêm chủng, chỉ sau 3 năm đi vào hoạt động, VNVC đã có lãi, với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu rất đáng nể cùng doanh thu cán mốc nghìn tỷ đồng. 

Đáng nói, chuỗi kết quả kinh doanh tích cực của VNVC được duy trì nhiều năm liên tiếp.

CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) - tại một báo cáo công bố vào giữa năm nay - dẫn số liệu cho biết, trong năm 2022, chuỗi VNVC đạt hơn 7.200 tỷ đồng doanh thu, đồng thời báo lãi ở mức 265 tỷ đồng. Bước sang năm 2023, doanh thu của chuỗi tiêm chủng gồm 200 cơ sở này còn ấn tượng hơn, đạt khoảng 9.200 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước.

Đáng chú ý, với quy mô dân số trẻ và năng động, dư địa của lĩnh vực tiêm chủng tại Việt Nam vẫn còn rất rộng mở, quy mô lên tới hàng tỷ đô.

‘Miếng bánh’ này cũng đang được nhiều tay chơi để mắt, trong đó có không ít cái tên đã tuyên bố kế hoạch đánh chiếm đầy tham vọng. 

Ngoài Long Châu, CTCP Bệnh viện quốc tế Thái Nguyên (Mã CK: TNH) - với danh tiếng đã được khẳng định từ chuỗi bệnh viện hiện có - cũng từng tiết lộ tham vọng mở rộng sang lĩnh vực tiêm chủng.

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), thị trường vaccine Việt Nam có quy mô sơ bộ tính đến cuối năm 2023 đạt khoảng 55.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD), trong đó bao gồm 2 cấu phần chính, gồm: tiêm chủng bắt buộc (trẻ em, phụ nữ mang thai) và tiêm chủng dịch vụ. 

Với tỷ lệ sinh hàng năm tại Việt Nam ở mức 1,5 triệu trẻ em, VCBS ước tính quy mô của mảng tiêm chủng bắt buộc khoảng 15.000 tỷ đồng. Còn tiêm chủng dịch vụ (những vaccine không bắt buộc) có quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng./.

Chia sẻ
Báo cáo
Hoàng Giang Người dùng
Tài chính Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên