Huawei sau "cú ám sát" hụt của Mỹ: Lãi ngang Cisco Systems, vượt xa Ericsson và Nokia
17:01 30/07/2024
Tưởng chừng những đòn giáng liên tục của Mỹ đã "hạ gục" Huawei, song, không những trụ vững, hãng điện thoại Trung Quốc còn đang hồi sinh mạnh mẽ.
Ông Nhậm Chính Phi – nhà sáng lập Huawei – thường ví von cuộc đối đầu của công ty ông với Mỹ theo cách nói của nhà binh. “Đã đến lúc cầm súng, cưỡi ngựa và ra trận”, ông nói trong một cuộc họp nội bộ năm 2018. Ông còn khích lệ nhân viên buộc dây và kéo “chiến xa” Huawei ra tiền tuyến, theo một biên bản họp vào năm 2019.
Theo The Economist, ngôn từ mà ông Nhậm Chính Phi – một cựu chiến binh - dùng là có thể hiểu được, bởi Mỹ liên tục “chèn ép” Huawei trong hơn một thập kỷ qua.
Cụ thể, năm 2012, chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc có thể sử dụng Huawei làm “gián điệp”. Năm 2018, Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) - Giám đốc tài chính cấp cao của Huawei; con gái của ông Nhậm Chính Phi – có liên quan đến việc giúp Iran “lách” các lệnh trừng phạt.
Tới năm 2020, Mỹ cấm các công ty nước làm ăn với Huawei, đồng thời cấm các công ty bán chip và thiết bị có sử dụng công nghệ Mỹ cho tập đoàn Trung Quốc. Mỹ thậm chí kêu gọi các nước phát triển không sử dụng thiết bị Huawei trong hạ tầng viễn thông.
Cho tới tháng 5 vừa rồi, cuộc tấn công của Mỹ nhằm vào Huawei vẫn tiếp diễn. Giới chức nước này đã thu hồi giấy phép đặc biệt đã cấp cho Intel và Qualcomm liên quan đến việc bán chip máy tính xách tay cho Huawei.
Về phần mình, Huawei phải bán thương hiệu điện thoại thông minh vì thiếu chip. Công ty cũng bị loại khỏi kế hoạch triển khai 5G ở loạt quốc gia phát triển. Lợi nhuận ròng của Huawei có lúc “bốc hơi” tới 70%.
Vực dậy “đế chế”
Ông Nhậm Chính Phi thành lập Huawei vào năm 1987, trong một căn hộ nhỏ tại Thâm Quyến. Công ty này ban đầu chuyên nhập khẩu thiết bị viễn thông để bán lại ở trong nước. Là một kỹ sư được đào tạo bài bản, ông Nhậm nhanh chóng tự chế tạo được các thiết bị.
Nhờ sự trỗi dậy của ngành viễn thông Trung Quốc, Huawei cũng nhanh chóng vươn tầm. Năm 2020, công ty này nắm giữ gần 1/3 thị phần cung cấp thiết bị mạng di động toàn cầu.
Trụ sở chính của công ty tại Thâm Quyến vô cùng tráng lệ và đồ sộ, với hội trường không kém gì cung điện Versailles, với cột đá cẩm thạch và những bức tranh sơn dầu cỡ đại trên trần nhà.
Tưởng chừng như những "cú đấm" liên tục của Mỹ - như đã đề cập ở đầu bài viết - đã "hạ gục" Huawei, song, không những trụ vững, hãng điện thoại Trung Quốc còn đang hồi sinh mạnh mẽ.
Trong quý I/2024, lợi nhuận ròng của Huawei tăng vọt 564% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 19,7 tỷ NDT (2,7 tỷ USD). Trước đó nữa, trong năm 2023, Huawei báo lãi ròng 12,3 tỷ USD – ngang với Cisco Systems (gã khổng lồ viễn thông Mỹ) và vượt xa các đối thủ sừng sỏ như Ericsson và Nokia.
Công ty cũng tái gia nhập thị trường điện thoại di động và ghi nhận doanh số thiết bị viễn thông tăng trở lại.
Theo ước tính của Jefferies, một ngân hàng đầu tư, khoảng 70% linh kiện (theo giá trị) của Mate60 Pro+, một mẫu smartphone Huawei phát hành vào tháng 9, được sản xuất tại Trung Quốc. Điều này giúp Huawei đạt được thị phần 15,5% doanh số smartphone tại Trung Quốc trong ba tháng đầu năm 2024, tăng từ khoảng 9% trong cùng kỳ năm 2023 và ngang bằng với Apple. Thành công này là một minh chứng cho thấy sự phục hồi của Huawei.
"Bí quyết" cho sự trở lại của Huawei phần lớn xuất phát từ những chính sách thay thế linh hoạt. Theo đó, công ty triển khai hướng đến những chương trình sản xuất linh kiện có nguồn gốc “cây nhà lá vườn”, giúp họ giảm được rủi ro trước các đòn tấn công tiềm tàng từ bên kia bán cầu trong tương lai.
Huawei đã tìm kiếm hệ thống các chất thay thế cho sở hữu trí tuệ (IP) của Mỹ trong các sản phẩm và hệ thống nội bộ của mình. Ông Nhậm tuyên bố công ty đã thay thế 13.000 bộ phận sản xuất nước ngoài bằng các bộ phận của Trung Quốc dù vô cùng tốn kém.
Nhờ đó, công ty đã có thể hồi sinh doanh số bán smartphone bằng cách hợp tác với một nhà cung cấp Trung Quốc để phát triển các loại chip phù hợp. Một số chip nội địa mà Huawei đang sử dụng được cho là có giá cao gấp nhiều lần so với các sản phẩm tương đương của nước ngoài nhưng để phát triển các con chip như vậy trong một thời gian ngắn vẫn gây nhiều bất ngờ.
Huawei đã bạo chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) từ nhiều năm nay. Riêng năm 2023, công ty này đã chi ra tới 23 tỷ USD cho R&D, vượt qua các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple và Microsoft./.