Lê Mạnh Minh Thứ Ba, 18/6/2024, 14:31 (GMT+7)
Người theo dõi

HSG khớp lệnh nghìn tỷ: Điều gì giúp “vua tôn” hút tiền từ nhà đầu tư?

Cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen đã có phiên tăng trần sau hơn 7 tháng, với lượng cổ phiếu “sang tay” kỷ lục kể từ khi niêm yết: 1.080 tỷ đồng.

Phiên 17/6, HSG ghi nhận 27 lệnh mua khủng 10,3 triệu cổ phiếu với giá trị trung bình 9,56 tỷ đồng/lệnh, khiến giá cổ phiếu trần “tím lịm” lên mức 25.150 đồng/cổ phiếu. Tổng khối lượng giao dịch trong phiên lên tới 43,6 triệu cổ phiếu, với 60% là giao dịch mua chủ động. 

DIễn biến giá cổ phiếu HSG - Nguồn: TradingView
DIễn biến giá cổ phiếu HSG - Nguồn: TradingView

Dòng tiền của các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là quỹ Dragon Capital, đang chảy mạnh vào HSG, đẩy giá cổ phiếu này tăng 33% kể từ nửa cuối tháng 4. Khối ngoại cũng đang có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp với tổng giá trị khoảng 173 tỷ đồng đối với mã cổ phiếu này, lấp "room" ngoại hiện ghi nhận mức 22,2%.

Động thái “hưng phấn” của thị trường đối với HSG diễn ra sau khi Bộ Công Thương có quyết định điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép mạ có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, vốn đang chiếm thị phần lớn nhất trong mảng tôn mạ (28,4%) và thép ống (12,4%).

Hiện nay, lượng HRC sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 30% thị phần, còn lại 70% là thép nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc và Hàn Quốc với giá thành thấp hơn so với giá bán của 2 “ông lớn” trong nước là Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. 

Việc áp thuế chống bán phá giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của loạt doanh nghiệp sản xuất tôn mạ, khi riêng giá mua HRC đã chiếm tới 60-70% chi phí sản xuất của các doanh nghiệp này và chủ yếu đến từ nguồn thép nhập khẩu.

Do đó, cùng với các doanh nghiệp như Thép Nam Kim hay Tôn Đông Á, HSG cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn nếu nếu giá tôn mạ Trung Quốc và Hàn Quốc chính thức bị áp thuế chống bán phá giá khi có thị phần lớn nhất trên thị trường nội địa.

Nhiều tháng qua, HSG đã tích cực tích trữ hàng tồn kho khi giá HRC duy trì ở vùng thấp (530-550 USD/tấn). Quý 2/2024, lượng hàng tồn kho của HSG đã tăng 49% so với cùng kì, trong đó nguyên vật liệu tăng 79%. 

Theo CTCP chứng khoán KBSV (KBSV), sản lượng tiêu thụ nội địa đang có dấu hiệu hồi phục khi tiêu thụ tôn mạ và thép ống lần lượt tăng 29% và 28% so với tháng trước. Tiêu thụ nội địa kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh trong nửa cuối năm nay nhờ lĩnh vực bất động sản dân dụng dần hồi phục, kéo theo các dự án mới được triển khai sẽ kích thích nhu cầu thép trong nước. 

KBSV ước tính, biên lãi gộp của HSG có thể đạt 11,6%-12,5% trong năm nay và năm tới. Với HSG, công ty luôn duy trì biên lợi nhuận gộp trên 10%, trong khi các doanh nghiệp tôn mạ hàng đầu có thể dao động từ 0-20% tùy thuộc vào từng thời điểm, thể hiện “phong độ” vững chắc của công ty trong các điều kiện thị trường khác nhau

Dù vậy, nhiều công ty chứng khoán nhận xét định giá của nhóm thép hiện đã ở mức khá cao, với P/E đạt 18,3 lần so với mức so với mức trung bình ngành là 15 lần.

Trong quý II niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/3/2024), HSG ghi nhận doanh thu đạt 9.248 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 319 tỷ đồng, lần lượt tăng tăng 32,5% và 27,3% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu niên độ, công ty ghi nhận doanh thu hơn 18.321 tỷ đồng, tăng 23%. Lợi nhuận sau thuế có bước chuyển lớn từ lỗ 424 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước thành lãi 422 tỷ đồng.

Phiên sáng ngày 18/8, HSG "neo" tại mức giá quanh 25.000 đồng/cổ phiếu./.

Chia sẻ
Báo cáo
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên