Lê Mạnh Minh Thứ Sáu, 21/6/2024, 16:15 (GMT+7)
Người theo dõi

HPG của tỷ phú Trần Đình Long sẽ ‘hạ gục’ thép HRC Trung Quốc nhờ ‘quả đấm’ Dung Quất 2?

Giá bán được cho là thách thức duy nhất của HPG khi cạnh tranh với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng "vua thép" Trần Đình Long có thể thắng trong cuộc chiến này nhờ một yếu tố...

Dự án Dung Quất 2 có thể là “lời giải” dài hạn cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) khi cạnh tranh với thép cuộc cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo CTCP Chứng khoán FPT (FPTS), sản lượng thép HRC của Dung Quất 2 – nếu chạy tối đa công suất – có thể đáp ứng được khoảng 70% lượng HRC đang phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, so với nhập khẩu từ Trung Quốc, khách hàng có thể tiết kiệm thời gian vận chuyển nếu họ mua thép HRC của HPG.

“Thách thức duy nhất đến từ giá bán khi giá bán HRC của HPG và Formosa khá tương đồng nhưng cao hơn so với mức giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, với việc sẽ tăng gần gấp 3 lần quy mô sản xuất HRC từ dự án Dung Quất 2, chúng tôi kỳ vọng tính cạnh tranh về giá của doanh nghiệp sẽ cải thiện nhờ lợi thế về quy mô” – nhóm phân tích của FPTS nêu trong báo cáo lần đầu về HPG phát hành hôm 12/6.

Cũng theo báo cáo này, HPG dự kiến sẽ chạy thử lò đầu tiên của Dung Quất 2 trong cuối Q4/2024 và lò thứ 2 trong Q3/2025 trước khi đồng bộ hoàn thành 100% hạng mục toàn bộ dự án vào năm 2026.

Sản lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam - Nguồn: FPTS Research
Sản lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam - Nguồn: FPTS Research

Hồi tháng 3/2024, HPG và Formosa đã nộp hồ sơ lên Bộ Công thương xin áp thuế chống bán phá giá đối với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ.

"Các đơn vị nhập khẩu thép có rất nhiều lý luận mà theo họ đều là đúng. Tuy nhiên, nếu họ đúng thì tại sao lại phải sợ khởi xướng điều tra. Tôi thấy họ rất sợ việc này" – ông Trần Đình Long, Chủ tịch HPG, phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức vào tháng 4. “Vua thép” cũng khẳng định HPG không khởi kiện các công ty thép trong nước mà chỉ khởi kiện các công ty thép từ Trung Quốc và Ấn Độ bán phá giá vào Việt Nam.

Kết quả điều tra chống bán phá giá có thể sẽ mất từ 12-18 tháng, theo FPTS. Do đó, theo nhóm phân tích, trong năm 2024, áp lực cạnh tranh mạnh từ thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ vẫn hiện hữu và kết quả điều tra cũng như quyết định áp thuế của Bộ Công thương sẽ có trong nửa đầu năm 2025.

Được biết, sản lượng HRC nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 3,4 triệu tấn (tăng 47% so với cùng kỳ) với nguồn chủ yếu đến từ Trung Quốc. Đáng chú ý, thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bán thấp hơn 10,3% so với Formosa và 14,6% so với Hòa Phát./.

Chia sẻ
Báo cáo
M
Lê Mạnh Minh Người dùng
Nhà đất Chủ đề
Bình luận
Xem thêm

Trở thành người bình luận đầu tiên