Hiện tượng phân hóa mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 đang gợi lại một bức tranh tương đồng với thị trường tiền mã hóa cùng thời kỳ: sự dẫn dắt bởi một nhóm nhỏ tài sản vốn hóa lớn, trong khi phần còn lại trì trệ hoặc suy yếu.
Dòng tiền vận động chủ yếu xoay quanh các cổ phiếu bluechip, những mã có thanh khoản tốt, vốn hóa cao, minh bạch thông tin và thường xuyên được nhà đầu tư tổ chức nắm giữ. Đây là chỉ dấu của một thị trường đang vận hành với tâm thế phòng thủ, thận trọng và ưu tiên chất lượng tài sản hơn là kỳ vọng lan tỏa lợi nhuận.

VN-Index khởi đầu tuần mới đầy ấn tượng khi chốt phiên tại 1.557,42 điểm, tăng hơn 26,2 điểm (+1,72%) so với tham chiếu (Nguồn: TradingView)
Trên thực tế, dữ liệu cho thấy chỉ 30 cổ phiếu hàng đầu đang đóng góp đến hơn 90% tổng mức tăng của chỉ số VN-Index kể từ đầu năm, tương đương khoảng 277 điểm trên tổng mức tăng 302 điểm. Nếu loại bỏ các cổ phiếu trụ cột như nhóm VIC, nhóm GEX, hay nhóm ngân hàng – thì chỉ số thực chất chỉ ở vùng 1279 điểm, thấp hơn nhiều so với con số 1557 điểm hiện nay.
Điều này phản ánh sự tăng trưởng lệch tâm, tạo cảm giác “xanh giả tạo” cho thị trường, một hiện tượng tương tự xuất hiện trên thị trường crypto năm nay, khi Bitcoin, Ethereum hay Solana tiếp tục tăng mạnh nhưng phần lớn altcoin (token nhỏ) lại suy yếu, kéo dài “mùa altseason thất bại”.
Một phần nguyên nhân sâu xa đến từ kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, từ cận biên (frontier market) lên mới nổi (emerging market). Những yêu cầu từ các tổ chức như FTSE Russell đã thúc đẩy thị trường và nhà đầu tư tập trung vào nhóm cổ phiếu đáp ứng tiêu chí nâng hạng, bao gồm vốn hóa lớn, thanh khoản cao, mức độ công bố thông tin đầy đủ.
Vì vậy, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển rõ nét sang các mã bluechip có khả năng được thêm vào danh mục chỉ số trong trường hợp nâng hạng xảy ra. Ngược lại, cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ, vốn ít khả năng được hưởng lợi từ nâng hạng trở nên kém hấp dẫn, bất chấp thị trường liên tục phá đỉnh.
Bối cảnh toàn cầu cũng là yếu tố thúc đẩy xu hướng này. Những rủi ro địa chính trị leo thang, đặc biệt là chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ áp lên hàng hóa xuất khẩu từ các nước đã tạo ra tâm lý dè dặt với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu và khu công nghiệp.
Trong khi đó, lãi suất toàn cầu dù đã hạ nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước, khiến dòng vốn mạo hiểm cũng chùn bước. Nhà đầu tư nội, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong thanh khoản thị trường Việt Nam, cũng có xu hướng chọn lọc các mã cổ phiếu mang lại sự an toàn thay vì theo đuổi kỳ vọng ngắn hạn như các chu kỳ trước.

Hệ quả là sự phân tầng rõ rệt: một nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường với mức tăng hai chữ số, trong khi phần lớn mã còn lại đi ngang hoặc suy giảm. Điều này tạo nên một thị trường “hai tầng”, nơi chỉ số tăng nhưng danh mục nhà đầu tư cá nhân không phản ánh cùng xu hướng. Việc nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái lãi chỉ số nhưng lỗ danh mục là hệ quả trực tiếp của hiện tượng này, giống với cách nhiều người nắm altcoin đang thua lỗ dù Bitcoin liên tục lập đỉnh mới.
Triển vọng cho nửa cuối năm 2025 phụ thuộc lớn vào yếu tố liệu chính sách vĩ mô trong nước có đủ mạnh để kích thích dòng tiền lan tỏa sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ hay không. Nếu không có thay đổi mang tính đột phá, dòng tiền có thể vẫn sẽ vận động trong phạm vi chật hẹp, tập trung vào các cổ phiếu có thể được đưa vào danh mục các quỹ chỉ số sau khi nâng hạng.
Ngược lại rủi ro điều chỉnh trên chính nhóm cổ phiếu dẫn dắt cũng không thể loại trừ, bởi định giá của nhiều mã đã khá cao. Kịch bản cuối cùng là một sự tăng trưởng lan toả theo kiểu "alt season" có thể xảy ra, kéo theo cơn bùng nổ như thời kỳ rực rỡ 2021.
Tóm lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn mà tâm lý phòng thủ tạo nên sự phân hóa sâu sắc. Điều này khiến dòng tiền chỉ tìm đến số ít mã "chắc chắn" cũng giống như alt season mãi chưa xuất hiện trên thị trường crypto./.