Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF Mạng xã hội kinh tế tài chính DFF

Hàn Quốc: 'Chảy máu' vốn vì cơn sốt tiền điện tử

12:20 24/11/2024

Thị trường tiền điện tử ở Hàn Quốc đã nổi lên như một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn so với các sàn giao dịch chứng khoán nội địa đang đi xuống.

Hai xu hướng đáng lo ngại đang lan rộng trên thị trường tài chính tại Hàn Quốc. Đó là, ngày càng nhiều nhà đầu tư nhảy vào cơn sốt tiền điện tử. Tiếp đến, các nhà đầu tư có xu hướng tăng lượng nắm giữ cổ phiếu Mỹ đang lên giá thay vì đầu tư tiền vào thị trường chứng khoán nội địa đang ảm đạm.

Khối lượng giao dịch hàng ngày của 5 sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu Hàn Quốc đã vượt qua 20.000 tỷ won (tương đương 14,4 tỷ USD) vào tuần trước, vượt xa tổng khối lượng 19.000 tỷ won của sàn giao dịch chứng khoán chính Kospi và thị trường thứ cấp thiên về công nghệ Kosdaq.

Nhưng thật khó để đổ lỗi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc vì đã rời khỏi thị trường nội địa để tìm kiếm lợi nhuận ở nơi khác. Xét cho cùng, thị trường tiền điện tử ở Hàn Quốc đã nổi lên như một kênh đầu tư thay thế hấp dẫn so với các sàn giao dịch chứng khoán nội địa đang đi xuống.

Thị trường tiền điện tử ở Mỹ cũng đang nóng lên nhanh chóng, với đồng Bitcoin dẫn đầu và các loại tiền điện tử khác cạnh tranh để mang lại lợi nhuận lớn hơn.

Theo CoinGecko - một công ty dữ liệu tiền điện tử, khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trên các sàn giao dịch tiền điện tử lớn của Hàn Quốc, chẳng hạn như Upbit và Bithumb, đã tăng vọt 187% chỉ trong một tuần.

Số tiền liên quan đã tăng từ 7.000 tỷ won trong tuần diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lên 21.000 tỷ won vào tuần tiếp theo. Tổng số tiền gửi vào các sàn giao dịch tiền điện tử cũng tăng vọt 2.400 tỷ won trong tháng qua.

Theo các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách phải nghiêm túc xem xét xu hướng mới nhất và chuẩn bị các biện pháp chủ động để ứng phó với dòng vốn đột ngột chảy ra khỏi thị trường tài chính trong nước sang thị trường Mỹ, cũng như tình trạng quá nhiệt của các sàn giao dịch tiền điện tử do hoạt động đầu cơ.

Dư luận rộng rãi ở Hàn Quốc cho rằng nhiều cổ phiếu nội địa được giao dịch ở mức chiết khấu chủ yếu là do cấu trúc quản lý lỗi thời và hoạt động quản lý không minh bạch.

Chính phủ Hàn Quốc hiện đang cố gắng xóa bỏ những nhận thức tiêu cực như vậy và thúc đẩy giá trị chung của cổ phiếu Hàn Quốc. Nhưng điều này không thể đạt được trong một sớm một chiều vì những vấn đề chính sách và quy định phức tạp liên quan.

Dòng vốn chảy ra nhanh chóng từ thị trường tài chính nội địa là một vấn đề nghiêm trọng đe dọa đến nền tảng của kinh tế Hàn Quốc. Các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết những vấn đề liên quan để những nhà đầu tư có thể nhìn nhận lại giá trị của thị trường nội địa./.

Nguồn tham khảo: Doanh nhân Việt Nam