UBND TP Hải Phòng đề xuất đóng góp 10.960 tỷ đồng vào nguồn vốn Dự án Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn và xây tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đồ Sơn.
Theo đó, Hải Phòng nhận định việc triển khai dự án đường sắt có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của TP, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang Đông Tây, là cửa ngõ giao thương với thế giới qua các cảng biển lớn khu vực Hải Phòng, cũng như kết nối liên vận quốc tế về giao thông đường sắt tại cửa khẩu Lào Cai.
Theo nội dung Chính phủ vừa trình Quốc hội hôm 13/2, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu nằm tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc), điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện. Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km.
Dự án đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha.
Mục tiêu của dự án là xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...
Việc phát triển giao thông vận tải đường sắt trên hành lang kinh tế Đông Tây Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng không chỉ thúc đẩy kinh tế mậu dịch qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn được kỳ vọng hình thành tuyến thông đạo bằng đường sắt liên kết Đông Á - Trung Á - châu Â, tạo không gian phát triển mới, đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ... tại các địa phương dọc hành lang tuyến.