Giá USD tại Việt Nam rớt mạnh
Sáng 29-11, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.251 đồng/USD, giảm mạnh 20 đồng/USD so với hôm qua. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, tỷ giá trung tâm đi xuống.
Giá USD ở các ngân hàng thương mại cũng lao dốc trong những ngày qua. Vietcombank giao dịch USD mua vào 25.160 đồng/USD, bán ra 25.463 đồng/USD, giảm khoảng 20 đồng so với hôm qua.
Eximbank, ACB mua vào đồng USD còn 25.130 đồng/USD, giá bán ra bằng với Vietcombank là 25.463 đồng/USD.
Trong 3 ngày qua, giá USD ngân hàng giảm tổng cộng khoảng 46 đồng/USD.
Tỉ giá hạ nhiệt trong bối cảnh đồng USD trên thị trường quốc tế đi xuống. Chỉ số đồng USD (DXY) sáng nay giảm còn 105,8 điểm, giảm khoảng 1,6% so với mức đỉnh hơn một tuần trước.
Tại Công điện số 122/CĐ-TTg gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác.
Trong đó, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, điều hành thị trường mở, lượng tiền cung ứng, giảm mặt bằng lãi suất cho vay… để cung ứng vốn cho nền kinh tế với chi phí hợp lý.
Trước đó, trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay cơ quan quản lý sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, trong trường hợp tỉ giá có biến động quá lớn sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ.
Việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất thoạt nhìn có vẻ làm giảm áp lực đối với tỉ giá. Tuy nhiên, tỉ giá và thị trường ngoại hối trong nước chịu tác động bởi nhiều yếu tố, phụ thuộc vào cung - cầu ngoại tệ của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước cho biết kiên định mục tiêu điều hành là ổn định giá trị của VNĐ, kết hợp giữa chính sách lãi suất và tỉ giá để tiền đồng hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ ra tiền đồng./.
Nguồn: Người Lao Động